Tỉnh Ninh Thuận có bờ biển dài 105 km tính từ mũi Cà Tiên đến Cà Ná, có nhiều đầm, vịnh, bãi, ven bờ biển địa hình đa dạng, phù hợp phát triển kinh tế nuôi trồng, sản xuất thủy sản giống, muối, phát triển du lịch. Từ bao đời nay, người dân Ninh Thuận làm nghề biển, khai thác thủy, hải sản, làm muối trong những đầm, vịnh, bãi, ven bờ biển, ngoài khơi... để sinh sống. Những tên làng chài, tên đầm, vịnh, bãi, bờ biển đã đi vào tâm thức, trở thành thân quen đối với bao thế hệ dọc ven biển này. Chương này chúng tôi trình bày địa danh các đầm, vịnh, bãi, bờ biển xếp theo vần A, B, C và xếp theo đơn vị hành chính thành phố, các huyện có biển.

1. Đầm, vịnh, bãi, bờ biển thuộc Phan Rang – Tháp Chàm.

- Bãi biển Bình Sơn: Thuộc địa bàn Phan Rang – Tháp Chàm, cách trung tâm thành phố 6km về phía Đông, tiếp nối phía Bắc là bãi biển Ninh Chử, (xem: bãi biển ở huyện Ninh Hải). Hiện nay trong khu vực phía Nam bãi này đã xây dựng Công viên biển Bình Sơn với có diện tích 19,76ha, Đông giáp Biển Đông, Tây giáp đường Yên Ninh. Ngày 19 tháng 10 năm 2014 UBND tỉnh đã tổ chức khánh thành Công viên và bàn giao cho UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm quản lý, khai thác.

Có thơ rằng:

Sau lưng dựa núi Đá Chồng

Bình Sơn – Ninh Chử thơm nồng biển xanh

Văn Sơn lắm tỏi, hành, nho ngọt

Dư Khánh thừa mắm, mọng cá tươi

Đường qua quê biển ngược xuôi

Trường tôi Ninh Hải trồng người trăm năm.

(Hoài Thu: Bên đường)

- Bến Vũng Tàu: Phía Bắc cửa biển sông Dinh phường Đông Hải (thuộc các xóm Mỹ Thành, Mỹ Hòa xưa), nguyên xưa tàu thuyền vào đậu tránh sóng gió, trao đổi, mua bán, dân gian gọi là Vũng Tàu, tương tự như tên thành phố Vũng Tàu hiện nay, nguyên khởi cũng là vũng tàu thuyền đậu. Sử Triều Nguyễn ghi: "Vũng Tàu: ở phía Nam tấn Ma Văn, huyện Yên Phước"[1].

- Cửa biển Phan Rang: Thuộc phường Đông Hải, là cửa sông Dinh chảy ra biển, còn gọi là cửa biển Đông Hải, Cửa Hàn: "Tấn Phan Rang: ở phía Nam huyện Yên Phước rộng 5 trượng, thủy triều lên sâu 4 thước, thủy triều xuống sâu 1 thước. Phía Đông và phía Bắc cũng có thủ sở"[2]. Nhân dân quen gọi nôm na xuống Cửa. Người Chăm gọi là: Palei Lamnga - xóm Cửa. Từ điển Việt – Chăm, Inưlang Piêt – Chăm, Bùi Khánh Thế chủ biên, NXB Khoa học Xã hội năm 1996 ghi: Hải khẩu: pabah lơmngư.

Bài vè Cát lái mô tả:

Ngoài trời sóng bạc bủa vang,

Trực nhìn ngó thấy Cửa Hàn Phan Rang,

Trông vào thấy núi Xà Bang (Chà Bang),

Chạy khỏi Vũng Tròn đà tới Mũi Dinh.

- Vịnh Phan Rang: Là tên gọi chung vịnh biển trải dài từ cảng Ninh Chử đến Đông Hải, có chiều dài khoảng 10km, uốn cong như hình bán nguyệt. Phía Bắc có núi Đá Chồng, núi Đình, núi Quýt, núi Cà Đú soi bóng xuống Đầm Nại giàu tôm, cá... Trong vịnh có bãi biển Ninh Chử, bãi biển Bình Sơn, tất cả tạo thành một quần thể biển, núi, đầm vịnh hài hòa, hữu tình.

2. Đầm, vịnh, bãi, bờ biển thuộc huyện Ninh Hải.

- Bãi biển Bà Điên: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải, là một bãi tắm sức chứa từ vài trăm đến khoảng một ngàn khách được nhiều người biết bởi vẻ hoang sơ, ẩn mình bên những khối đá cao vút, bên dãy núi và rừng cây xanh, mặt quay hướng Biển Đông, dưới có bờ cát trắng mịn màng… Nhiều du khách đến đây phần vì tò mò bởi tên gọi lạ lùng và sẵn dịp hòa mình vào thiên nhiên núi non, biển cả. Có người giải thích địa danh bãi biển Bà Điên rằng: cách đây đã lâu có đôi vợ chồng sống trên bãi biển này. Một ngày kia, chồng đi biển mãi không thấy về. Người vợ ngóng chờ chồng trong nỗi đau tột cùng và hoảng loạn nên đã hóa điên cho đến chết...

- Bãi biển Ninh Chử: Thuộc địa phận thị trấn Khánh Hải. Địa danh Ninh Chử: nguyên xưa đặt tên này là do vùng vịnh biển này đẹp, sóng lặng, yên bình. Nghĩa chữ Hán, Ninh: bình yên, thái hòa, Chử: bờ bãi, (lưu ý Chử dấu hỏi ?), như La Chử, Hải Chử, thậm chí cả Minh Chử, được ghi trong Địa bạ Triều Nguyễn 1836. Về hồi ký, bài ký viết về Ninh Chử – Phan Rang, Bác Hồ viết: "Đến Đa-ca, bể nổi sóng rất dữ. Tàu không thể vào bờ. Cũng không thể thả ca-nô xuống vì sóng rất to. Để liên lạc với tàu, bọn Pháp trên bờ bắt những người da đen phải bơi ra chiếc tàu. Một, hai, ba, bốn người da đen nhảy xuống nước. Người này đến người kia, họ bị sóng bể cuốn đi.

Cảnh tượng ấy mọi người coi là thường. Nhưng điều đó làm cho anh Ba hết sức cảm động, anh khóc. Ngạc nhiên tôi hỏi tại sao? Anh Ba buồn rầu trả lời tôi:

- Những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song những người Pháp thực dân rất hung ác, vô nhân đạo. Ở đâu chúng nó cũng thế. Ở ta, tôi cũng thấy chuyện như thế xảy ra ở Phan Rang. Bọn Pháp cười sặc sụa trong khi đồng bào ta chết đuối vì chúng nó. Đối với bọn thực dân, tính mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không đáng một xu"[3].

Có thơ rằng:

Ai về Ninh Thuận quê tôi

Tắm biển Ninh Chử, dạo đồi Nam Cương

Bê tông nối những con đường

Quê hương đổi mới vấn vương lòng người

(Phạm Quốc Tý: Quê hương đổi mới)

- Bãi Chà Là: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải, bãi tiếp nhận nước từ suối Nước Ngọt từ núi Ông cao 950m thuộc dãy Núi Chúa xuống.

- Bãi Chuối: Thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải.

- Bãi Cóc Ngoài: Thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải, là địa điểm đồng bào ra lập khu an toàn để lánh giặc vào năm 1949.

- Bãi Cóc Trong: Thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải, có hồ trên Núi Chúa, hòn Đá Bàn.

- Bãi Đá Vách: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải.

- Bãi Hỏm: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải, có nước từ suối Sâu chảy ra qua bãi. Tại bãi này có các loại rùa biển xếp vào danh sách động vật quý hiếm của vùng biển Đông Nam Á, do các loại rùa biển thường lên bờ sinh sản nên nhân dân địa phương, các tổ chức bảo vệ động vật quốc gia, quốc tế chăm sóc, bảo vệ.

- Bãi Hời: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải. Bãi Hời bờ cát mịn màng, độ dốc đáy biển vùng ven bờ không lớn, độ sâu 3m – 6m, nước trong xanh nên ở đây có thể phát triển các hoạt động du lịch như tắm biển, tham quan vịnh và thể thao biển, trên đồi phía sau bãi tắm có thể phát triển thành những sân golf.

- Bãi Kinh: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải, điểm đang phát triển du lịch.

- Bãi Lớn: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải, là bãi biển đẹp và rất hoang sơ. Với những lợi thế riêng, bãi Lớn có thể xây dựng thành sân golf lý tưởng để thu hút khách du lịch.

- Bãi Mỹ Hòa: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải. Tên xưa gọi là Thị Hồng, trên là đèo. Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí ghi: "Hai bên đường đều là rừng thưa và đất tốt, giữa khoảng đó có ruộng núi trồng bông vải, nhìn ra phía Đông Nam ngoài biển chừng một dặm có một hòn đảo, tục gọi là đầm Hòn Giong [Chông - ĐH], đến đèo Thị Hồng, đèo dài 300 tầm, hai bên đều là rừng rậm, đất đá gồ ghề, ở đây mọc nhiều cây thị hồng nên mới gọi tên như thế, vùng này có nhiều cọp beo, khách đi đường phải lưu ý"[4]. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: "Gò Thanh Hiếu: ở phía Đông huyện Yên Phước. Lại có gò Xích Thị sinh cây hồng đỏ. Gần đấy về phía Bắc có gò Thái An, tục gọi là Lũng Lúa"[5].

- Bãi Mỹ Hiệp: Thuộc địa phận thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải. Xưa gọi bãi Ngang.

- Bãi Nước Đổ: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải, bãi tiếp nhận nước từ suối Nước Đổ chảy từ đỉnh núi Hòn Tý cao 580m thuộc dãy Núi Chúa xuống.

- Bãi Nước Ngọt: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải, nước từ suối Nước Ngọt chảy đến bãi này rồi đổ ra biển.

- Bãi Ông Gốc: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải. Thời kháng chiến, đây là bãi vận chuyển hàng từ Phan Rang về Ninh Chử vượt biển ra bãi Ông Gốc để tiếp tế lên CK19.

- Bãi Rạng: Thuộc địa phận Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, là một bãi cát dài và rạng san hô ven biển.

- Bãi Suối Sâu: Thuộc địa phận Thái An, xã Vĩnh Hải, là bãi biển có cảnh quan đẹp, được đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp do Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Sơn Long Thuận thực hiện. Dự án triển khai xây dựng nhằm giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên khoảng 50ha, hạng mục công trình du lịch quy mô lớn cấp hạng cao với đầy đủ dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế (4 sao): nhà hàng, khách sạn, hồ bơi, khu thể thao giải trí, công viên cây xanh... phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách trong nước và quốc tế.

- Bãi Thái An/ Rạch Thái An: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải, tên xưa là Lũng Lúa, Bãi Lúa, Bãi Lố. Địa danh Bãi Lúa có nhiều cách giải thích khác nhau: Theo sách Non nước Ninh Thuận thì có 3 sự giải thích. Thứ nhất: “dân chúng ở đây hay làm rẫy và gặt lúa thuê". Hằng năm cứ đến mùa gặt, họ lên gặt thuê ở các làng dọc quốc lộ 1, “Khi về đến đây thì đã mệt, họ ngồi tụ lại nghỉ chân, chia nhau lúa trước khi về nhà". Thứ hai: “Trước kia Thái An có thờ một vỏ lúa rất to, vỏ lúa của thời loài người chưa phải trồng trọt khó nhọc, tự lúa mọc ngoài đồng, khi chín thì tự lăn về... y như truyện cổ tích". Quá mơ hồ. Thứ ba: “Xưa có đoàn ghe bầu của Triều đình chở lúa đi dọc biển, đến vùng này chẳng may bị chìm, viên tải lương bèn ra lệnh vớt lúa đem lên bãi phơi. Khi lúa khô và được thu góp lại, một số bị rớt lại trên bãi và sau một trận mưa, lúa mọc lên xanh cả bãi"[6]. Theo Lê Trung Hoa: "Bãi Lúa: thôn, tục danh của thôn Thái An, tỉnh Ninh Thuận. Bãi nằm dọc theo bờ biển, không phải đồng lúa. - Bãi Lúa. Có 2 cách lý giải:

1. Người dân ở đây chuyên đi gặt thuê, chiều về ngồi trên bãi chia lúa.

2. Xưa có ghe chở lúa bị chìm, hốt lúa lên phơi, số còn sót lại mọc thành bãi. Cả hai cách lý giải chưa thuyết phục"[7].

- Bãi Thịt: Thuộc địa phận thôn Thái An, xã Vĩnh Hải.

- Bãi Thùng: Bãi Thùng thuộc địa phận xã Vĩnh Hải, là bãi biển cát trắng mịn dài khoảng 400m, đôi chỗ có lẩn những mảnh san hô vụn nằm trên nền cát. Phía xa bãi Thùng là các vách đá đỏ tạo nên sự tương phản về màu sắc và kỳ thú.

- Đầm Nại: Thuộc địa phận thị trấn Khánh Hải, các xã Tri Hải, Phương Hải, Tân Hải, Hộ Hải. Đây là một đầm phá ven biển mang đặc thù đầm nhiệt đới khô hạn. Đầm Nại là đầm nước tự nhiên nằm sâu trong đất liền, có cửa thông ra biển bằng sông Tri Thủy dài 2km, rộng từ 150m đến 300m, diện tích khoảng 1.200ha; trong đó diện tích vùng thủy triều 800ha, nhận nước ngọt từ các sông suối tự nhiên và kênh mương hệ thống thủy lợi các xã ven đầm, nhận nước mặn từ cơ chế thủy triều. Nguồn lợi thủy sản tự nhiên của đầm rất phong phú: thực vật nổi 125 loài, rong biển 40 loài, động vật nổi 22 loài, động vật đáy 61 loài, cá biển 42 loài và có khoảng 300ha rừng ngập mặn. Chung quanh Đầm Nại có thể phát triển nhiều ngành nghề như: công nghiệp, dịch vụ, du lịch, khai thác nuôi trồng thủy sản. Dân gian có câu:

Cá chốt đầm Vua, tôm cua đầm Nại

Em có thương mình đừng ngại mua cua.

Có các cách giải thích chữ Nại: "Nại là đồng muối", (Nguyễn Như Ý (chủ biên): (2011) Đại Từ điển tiếng Việt, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

- "Hồ Nại tồn tại ở Phan Rang với từ gốc Chàm là Cri Banoi, và cũng ở Quy Nhơn do từ rút gọn của Thìlịbìnại"[8]. Đầm Nại có tên khác là Đầm Hương Cựu. "Đầm Hương Cựu: ở huyện Yên Phước, đổ ra cửa biển Ma Văn", "Tấn Ma Văn: ở phía Đông Nam huyện Yên Phước rộng 35 trượng, thủy triều lên sâu 1 trượng 5 thước, thủy triều xuống sâu 1 trượng, có thủ sở"[9]. Ở cửa Đầm Nại có sự kiện liên quan người ngoại quốc: "Năm 1844 Thiệu Trị thứ 4: Lại có thuyền Xích Mao (người Anh?), 11 người bị nạn giạt vào cửa biển Ma Văn (cửa Đầm Nại - ĐH) tỉnh Bình Thuận. Vua sai đều chọn tìm chỗ cho thuyền đỗ, rồi cấp cho tiền gạo và áo quần đợi khi có thuyền công phái đi ngoại quốc sẽ cho đáp về nước"[10].

Ngày xưa gọi là cửa biển đầm này là Ma Văn, theo cách giải thích: Ma Văn là do ở bờ có nhiều cây dây mơ rong biển mọc giăng đầy nên gọi là Mơ Giăng, sau đọc trại đi.

- Đầm Vua: Thuộc địa phận các xã Tri Hải, Nhơn Hải. Đầm nằm trong đất liền, xưa có nước lợ, có nhiều loại thủy sản như cá chốt, ngày nay phát triển, mở rộng đưa nước vào hình thành một cánh đồng làm muối. Theo người dân kể, thời Nguyễn Huệ đánh nhau với Nguyễn Ánh, có lần Nguyễn Ánh bị Nguyễn Huệ đánh đuổi đến trú nấp tại đầm này, nên có tên như thế. Tương tự như sau đó Nguyễn Ánh chạy ra đến hòn Lao Câu, cách Đầm Vua 30km, quân lính không có nước ngọt uống, Nguyễn Ánh dậm chân xuống đất, nước mạch trào lên cứu được quân đang khát. Sau chỗ đó đặt tên giếng Vua, nay di tích hiện vẫn còn trên Lao Câu.

Người Chăm gọi Đầm Vua là Danao Karaow, còn gọi là bãi tập (mbang padhik). Ở trong vùng này tại thôn Bỉnh Nghĩa, có di tích thờ Po Bil Thuer (Chế Bồng Nga), người Chăm gọi Danaok Po Bil Thuer, nên giải thích liên quan địa danh Đầm Vua. Tuy nhiên địa danh này vẫn còn nhiều giả thuyết. Theo một tài liệu khác, đây là nhân vật có vợ là Po Bia Soi ở vùng Panduranga không phải là Chế Bồng Nga.

Có thơ rằng:

Ai về Ninh Thuận biết không?

Đầm Vua muối trắng, nắng hồng Bình Sơn,

(Phan Thành Khương: Ai về Ninh Thuận)

- Hang Rái: Thuộc địa phận thôn Thái An, xã Vĩnh Hải. Hang Rái thuộc Vườn Quốc gia Núi Chúa là điểm du lịch sinh thái đang được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Cảnh quan ở đây gồm nhiều khối đá xếp chồng lên nhau với hình thù lạ mắt, phía dưới là rạn san hô nằm chắn sóng với những mỏm đá lồi, lõm tạo ra những hang động lớn, nhỏ khác nhau. Trước kia là nơi trú ngụ của các loài rái cá nên địa danh Hang Rái bắt nguồn từ đây.

- Hòn Chông/ Đầm Chông: Thuộc địa phận thôn Mỹ Tân 2, xã Thanh Hải, nơi đây hiện nuôi trồng thủy sản. Sách Phủ biên tạp lục ghi ở đây có đóng thuế: "Phủ Bình Thuận: vụng Vị Nai (Mũi Né – ĐH) hằng năm tiền thuế 176 quan 6 tiền, hai sở Hòn Chông, Vụng Găng (Vĩnh Hy – ĐH) hằng năm tiền thuế 1.000 quan"[11]. Ngày nay tỉnh Ninh Thuận đã thiết lập khu phục hồi nguồn lợi thủy sản Hòn Chông.

- Hòn Cột Buồm: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải.

- Hòn Đen: Thuộc địa phận xã Thanh Hải.

- Hòn Đeo: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải.

- Hòn Đỏ: Thuộc địa phận thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải. Đây là vùng biển có rạn san hô đẹp và đa dạng ở biển Việt Nam với 307 loài san hô cứng tạo rạn với nhiều hình dáng, màu sắc phong phú nên có sức hấp dẫn không chỉ đối với các nhà hải dương học mà còn thu hút du khách thường xuyên đến thưởng ngoạn. Người Chăm gọi là Mbuen Bia Cuah Bhong - Hòn Bà Đỏ.

Có thơ rằng:

Bạc đầu sóng mãi chứa chan

Vỗ về Mũi Đỏ Thái An chập chùng

Bỗng dưng trời biển mông lung

Tràn vào hồn đá vô cùng thiên nhiên

(Mũi Đỏ: Hàn Lan Quy)

- Hòn Gang: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải.

- Hòn Long Đôi: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải.

- Hòn Lù: Thuộc địa phận xã Thanh Hải.

- Hòn Tai: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải.

- Hòn Yến: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải.

- Mũi Đá Vách: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải, có thành vách đá granite dài 4,5km, cao 20m - 30m nhô ra biển sừng sững, dựng đứng như một bức tường chắn sóng tung bọt trắng xóa. Du khách có thể đến mũi Đá Vách bằng hai cách, cách thứ nhất là đi thuyền từ vịnh Vĩnh Hy lên, cách thứ hai là đi bộ từ làng chài vòng qua phía Bắc vịnh Vĩnh Hy.

Có thơ rằng:

Du xuân rừng biển Vĩnh Hy

Cheo leo dốc đá bước đi cuối ngày

Vô tình em chạm bàn tay

Tôi ngơ ngẩn hẹn chốn này năm sau

(Thái Sơn Ngọc: Thơ tình mùa xuân)

- Mũi Lớn: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải.

- Mũi Tây Xa/Sa: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải.

- Mũi Thị: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải.

- Mũi Thủ: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải.

- Mũi Xốp: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải, huyện Thuận Bắc.

- Vịnh Vĩnh Hy: Thuộc địa phận xã Vĩnh Hải, cách Phan Rang- Tháp Chàm 42km về hướng Đông Bắc. Đây là vịnh biển ăn sâu vào đất liền tạo thành một vịnh nước trong xanh rất đẹp, bao quanh gồm những dãy núi đá cao, chen bãi cát và dòng suối Lồ Ồ róc rách chảy xuống. Đến đây du khách có thể tắm biển, tắm suối, câu cá, khám phá những hang động, rừng cây, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi đá hoặc tham quan cảnh đẹp của vịnh bằng tàu thuyền, ca nô, leo núi, cắm trại, chiêm ngưỡng những rạn san hô muôn hình vạn trạng như những mê cung kỳ thú bằng tàu đáy kính… Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí ghi vịnh Vĩnh Hy là Vũng Căng: "Đầm Vũng Căng, giáp cuối địa giới phủ Diên Khánh"[12]. Lại có sách ghi là Vũng Găng: "Phủ Bình Thuận: vụng Vị Nai hằng năm tiền thuế 176 quan 6 tiền, hai sở Hòn Chông, Vụng Găng (Vĩnh Hy - ĐH) hằng năm tiền thuế 1.000 quan"[13]. Sách Đại Nam thực lục chính biên viết về sự kiện giặc biển có liên quan Vĩnh Hy như sau: “Xưa năm Đinh Tỵ, Tự Đức thứ 10 (1857), thuyền giặc biển ăn cướp thuyền buôn ở cửa biển Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Tấn thủ là Trần Bá Mao họp đem dân phục giết giặc, giữ được thuyền buôn. Việc ấy đến tai vua, vua cho là đánh giặc có công, chuẩn cho thưởng thụ phòng thủ úy đồn ấy; người bắn chết tên giặc ấy là lý trưởng dân phu thôn Vĩnh Hy và thủy thủ đều được thưởng cho ngân tiền và tiền có thứ bậc khác nhau”[14].

Có thơ rằng:

- Về Vĩnh Hy những ngày lặng sóng

Gió nồm nam đưa thuyền ra khơi

Những chú còng lao xao nghịch cát

Đợi thuyền về bến cá đầy khoang.

(Ánh Hồng: Về Vĩnh Hy chợt nhớ)

Trong bài vè Cát lái, nhật trình đi biển có mô tả:

- Vũng Găng ăn nói hẳn hòi,

Thu ngừ chất đống xem coi đã tường,

Hai bên ngựa mão hàng thương,

Có quân hầu tướng áo mão nghiêm trang,

Nguyền nhau một chiếc thuyền loan,

Tách dặm băng ngàn Bãi Lúa, Hòn Chông.

3. Đầm, vịnh, bãi, bờ biển thuộc huyện Ninh Phước.

- Bãi biển Phú Thọ - Tuấn Tú: Thuộc khu phố Phú Thọ, Phan Rang – Tháp Chàm và chủ yếu thuộc 2 thôn Tuấn Tú, Hòa Thạnh, xã An Hải, huyện Ninh Phước, là bãi tắm có đồi cát Nam Cương kéo dài hàng cây số, màu cát sắc đỏ, là một nơi khách du lịch tắm biển, tham quan, chụp hình mỗi khi đến Ninh Thuận. Nguyên xưa có tên thôn An Hòa, sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí miêu tả vùng ven biển này như sau: "Đường bằng cát mỏng, hai bên đường đều có dân cư đông đúc, hộ sống bằng nghề chài lưới, đến cửa cảng Phan Rang, cảng rộng 60 tầm, khi nước lên cảng sâu 2 tầm, nước xuống sâu 1 tầm, phong vị của cảng này với cảng Phan Rí tương tự nhau nên ngày xưa có câu rằng: Cơm Nai Rịa, cá Rí Rang. Từ cảng này đi lên 1.180 tầm thì đến chợ Lầu Điếm thôn An Hòa, thủy triều dâng lên đến đây thì dừng"[15].

4. Đầm, vịnh, bãi, bờ biển thuộc huyện Thuận Bắc.

- Bãi Bình Tiên (Cà Tiên): Thuộc địa phận xã Công Hải, phía Đông Bắc dãy Núi Chúa, bãi biển dài 3,8km còn nguyên nét hoang sơ, phong cảnh thoáng đãng; bãi tiếp nhận nước từ suối Nước Nhỉ chảy từ đỉnh núi Nước Nhỉ cao 722m thuộc dãy Núi Chúa xuống. Tỉnh Ninh Thuận đang liên kết đầu tư xây dựng khu Bình Tiên có diện tích 176ha trở thành khu du lịch sinh thái biển rừng, nghỉ dưỡng và sân golf có tầm cỡ. Dự án này được ví von là bãi Bình Tiên như nàng Công chúa ngủ trong rừng sâu được chàng Hoàng tử đến đánh thức.

Hiện nay, con đường ven biển đã thông xe, nên du khách đi từ Vĩnh Hy sang Bình Tiên rất thuận lợi. Trong tương lai, khu du lịch Bình Tiên sẽ là khu du lịch nổi tiếng của tỉnh Ninh Thuận và của cả trong và ngoài nước.

Có thơ rằng:

- Bình Tiên hay nẻo nguyên khai

Lung linh sương khói liêu trai diễm tình.

(Hàn Lan Quy: Bình Tiên mộng ký)

- Bãi Tai Thỏ: Thuộc địa phận xã Công Hải, huyện Thuận Bắc.

- Mũi Cà Tiên: Thuộc địa phận xã Công Hải, nằm gần tận cùng phía bắc tỉnh, giáp địa giới tỉnh Khánh Hòa, phía Đông giáp Biển Đông.

5. Đầm, vịnh, bãi, bờ biển thuộc huyện Thuận Nam.

- Bãi biển Cà Ná: Thuộc địa phận các xã Phước Diêm và Cà Ná, cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 30km theo Quốc lộ 1A về phía Nam. Cà Ná là bãi biển nổi tiếng từ lâu đối với du khách trong và ngoài nước. Nơi này đường bộ và đường sắt gần như sát vào nhau bởi một bên là núi, bên là biển. Những trưa hè oi ả, đi qua Cà Ná, du khách thấy khung cảnh biển trời, mây nước hòa quyện vào nhau tạo thành một cõi bao la, mênh mông, lại thêm gió từ ngoài đại dương hào phóng ùa vào làm tan đi những oi bức và bụi bặm đường xa. Dọc biển Cà Ná có hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống đặc sản biển và các tuyến tham quan... Phía Đông là làng chài lâu đời với nghề đi biển, làm nước mắm cá cơm với sản lượng khai thác hàng năm trên 10.000 tấn. Đây là nguồn nguyên liệu chế biến nước mắm cá cơm truyền thống có hương thơm nồng nàn, vị ngọt quyến rủ. Tất cả điều đó tạo những thuận lợi lớn cho du khách nghỉ dưỡng và mua sắm. Sách lịch sử ghi: "Tấn Cà Ná: ở phía Đông huyện Tuy Phong, rộng 9 trượng, thủy triều lên sâu 1 trượng, thủy triều xuống sâu 1 thước. Cũng có tên là vũng Cà Ná, trên có đầm Chó đổ ra cửa tấn, có thủ sở"[16].

Xưa còn có địa danh Bãi Chùy, Ô Rem (Ô Cam): “Trạm Thuận Lãng: Đặt lính thường trực ở trạm gồm 17 suất... phía Đông có con đường nhỏ đi 580 tầm thì đến cửa biển Cà Ná, phía bờ Bắc là thôn Lạc Nghiệp, dân cư rất trù mật, làm nghề chài lưới... Đến Bãi Chùy, dài 150 tầm, phía Đông chạy dọc theo bãi biển, đường toàn bằng đá san hô nhỏ lẫn với cát thô, phía Tây là rừng cây tươi tốt, đến lũy Ô Rem, phía Đông là lũy biển, phía Nam gần một dãy núi, tục gọi là núi Ô Rem, phía bên phải là phủ do Kính Quận công sai lính đắp bằng đá để trấn giữ chỗ hiểm yếu để chống lại quân Tây Sơn trước đây... đi 770 tầm, đây là giồng Ô Rem, phía Đông đường là bãi biển, phía Tây ven theo chân núi”[17].

Có thơ rằng:

- Gió về Cà Ná ngẩn ngơ

Say hương biển mặn trắng bờ Thương Diêm.

(Hàn Lan Quy: Nẻo ý về)

- Bãi biển Phước Dinh: Thuộc địa phận xã Phước Dinh, có chiều dài 5km, bờ biển cát mịn, phía xa xa là những đồi cát cao, nằm liền kề khu dân cư cùng rừng dương xanh mát. Biển Phước Dinh có thể phát triển các hoạt động du lịch thể thao như  lướt ván, lướt sóng, lặn, kết hợp trên bờ có đồi cát tổ chức đua mô tô, ô tô địa hình, du lịch thể thao mạo hiểm trên cát…

- Bãi biển Từ Thiện: Thuộc địa phận thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh. Bãi biển này nước rất trong xanh, sóng lặng.

- Bãi Đá Nhà: Thuộc địa phận xã Phước Dinh.

- Bãi Đá Trứng: Cách thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh hơn 1km, tên gọi do người dân đặt do ở đây có nhiều hòn đá tròn tập trung như ổ trứng khổng lồ, hòn Tròn... Ngày nay bãi là điểm du lịch dã ngoại của nhiều du khách gần xa, họ đến đây tắm biển, lặn săn bắt hải sản, vui thú cùng thiên nhiên.

- Bãi Tràn: Thuộc địa phận thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, thuận lợi cho việc tổ chức du lịch mạo hiểm trên đồi cát bằng mô tô, ô tô địa hình.

- Bãi Vũng: Trong khu vực có bãi Đá Trứng, thuộc địa phận thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, trên bờ địa hình cát thuận lợi cho việc tổ chức du lịch mạo hiểm trên đồi cát bằng mô tô, ô tô địa hình.

- Đầm Sơn Hải: Đầm nước nhỏ thuộc xã Phước Dinh, xưa gọi là đầm Vũng Diên. Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí miêu tả đầm ven biển này như sau: "Phía Đông dọc theo bờ biển, phía Tây dọc theo động cát, đến điếm Vũng Diên ở ngã ba thôn Sơn Hải, dân cư rất trù mật, họ sống bằng nghề đánh cá. Đi theo nhánh đường hướng Đông Nam có một cái eo biển, tục gọi là đầm Vũng Diên, đến mùa gió nam, thuyền bè có thể vào đây trú ẩn"[18].

- Mũi Dinh: Thuộc địa phận xã Phước Dinh. Biển ở phía ngoài Mũi Dinh đây có các dòng hải lưu chảy hết sức nguy hiểm cho thuyền bè, sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí ghi: "phía ngoài liền với một dãy núi, chân núi quanh co chín khúc như hình ngón tay gối ngang qua biển, tục gọi là Mũi Diên, thuyền bè đi ra biển ngay đây rất ngại, nên phải hết sức lưu ý"[19].

Ca dao có câu:

Mũi Nậy bảy bị còn ba,

Mũi dinh chín bị không tha bị nào.

Trong bài vè Cát lái đi biển có miêu tả:

Trông vào thấy núi Xà Bang (Chà Bang),

Chạy khỏi Vũng Tròn đà tới Mũi Dinh,

Mũi Dinh chín vại rất kinh,

Thủy ba sóng dội như ngư linh hóa rồng.

Đại ý nói sự nguy hiểm khi đi thuyền qua nơi này. Từ năm 1904, người Pháp đã xây trên sườn núi Mũi Dinh ở độ cao 300m một hải đăng để báo hiệu cho tàu thuyền trên đường hàng hải ra Bắc vào Nam. Ngoài tín hiệu hàng hải, hải đăng Mũi Dinh còn là một điểm thu hút khách du lịch của Ninh Thuận. Tại Mũi Dinh có một tảng đá lớn gọi là Hòn Trống khi ta gõ vào mặt đá sẽ phát ra âm thanh vang rất xa.

- Mũi Sừng Trâu: Địa bàn thuộc ranh giới 2 xã Phước Dinh và Phước Diêm.

- Vũng Tròn: Vũng eo biển bãi ngang thuộc thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. "Từ bãi biển Đông Nam của cảng (Phan Rang), phía Đông dọc theo bãi biển, phía Tây dọc theo động cát, 5.720 tầm đến Vũng Tròn, vào mùa gió nam thuyền bè có thể trú ẩn ở vịnh này"[20].

 

 


[1] Đại Nam nhất thống chí, tập 3, (2006) sđd.

[2] Đại Nam nhất thống chí, tập 3, (2006) sđd.

[3] Trần Dân Tiên: (1975) Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Sự thật, Sở Thông tin Văn hóa Sài Gòn – Gia Định.

[4] Lê Quang Định: (2005) sđd.

[5] Đại Nam nhất thống chí, tập 3, ( 2006) sđd.

[6] Nguyễn Đình Tư: (2003) sđd.

[7] Lê Trung Hoa: (2013) Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam, (quyển 1), NXB Văn hóa Thông tin.

[8] Nguyễn Văn Âu: (2008) Một số vấn đề về địa danh học Việt Nam, (in lần thứ 3), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

[9] Đại Nam nhất thống chí, tập 3, (2006) sđd.

[10] Đại Nam thực lục chính biên, (1971) tập 25, NXB KHXH Hà Nội.

[11] Lê Quý Đôn: (1977) Toàn tập, tập 1 Phủ biên tạp lục, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[12] Lê Quang Định: (2005) sđd.

[13] Lê Quý Đôn: (1977) sđd.

[14] Đại Nam thực lục chính biên, (1973) tập 28, NXB KHXH Hà Nội.

[15] Lê Quang Định: (2005) sđd.

[16] Đại Nam nhất thống chí, tập 3, (2006) sđd.

[17] Lê Quang Định: (2005) sđd.

[18] Lê Quang Định: (2005) sđd.

[19] Lê Quang Định: (2005) sđd.

[20] Lê Quang Định: (2005) sđd.

Đình Hy

Đại danh tỉnh Ninh Thuận Xưa và Nay -


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.