Chương này trình bày phần địa danh tự nhiên núi, đồi, rừng... chủ yếu và nổi bật trong tỉnh ghi từ thực tế, từ các bản đồ tự nhiên, hành chính, từ các tài liệu quy hoạch của các ngành, sách báo, thư tịch cổ. Phần đầu chương giới thiệu Tổng quan về núi, đồi, rừng ở tỉnh Ninh Thuận, sau đó xếp theo vần A, B, C từng địa danh núi, đồi, rừng theo phạm vi địa giới hành chính thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và 6 huyện để thuận tiện cho người đọc trong tra cứu.
Trong mỗi phần trình bày từng mục địa danh núi, đồi, rừng, có thể mở rộng phần tư liệu liên quan lịch sử, truyền thuyết, văn hóa... địa danh đó, ví dụ núi Cà Đú, núi Tà Nang không chỉ trình bày phần vị trí, độ cao... mà còn trình bày phần lịch sử căn cứ địa kháng chiến liên quan.
1. Tổng quan về núi, đồi, rừng tỉnh Ninh Thuận.
Tỉnh Ninh Thuận có địa hình tự nhiên chủ yếu là núi rừng, chiếm đến 63% diện tích toàn tỉnh, phân bố cả trên 6 huyện trong thế liên hoàn với dãy Trường Sơn ở phía Đông Nam.
+ Núi: Hệ thống núi tỉnh Ninh Thuận là đoạn cuối thuộc dãy Trường Sơn Nam. Nếu lấy sông Cái (sông Dinh) làm ranh giới, có thể chia địa hình núi Ninh Thuận thành hai hệ thống lớn là:
- Hệ thống núi thuộc cao nguyên Lâm Viên (Tây – Tây Bắc tỉnh Ninh Thuận).
- Hệ thống núi thuộc cao nguyên Di Linh (Tây – Tây Nam tỉnh Ninh Thuận).
Căn cứ núi tự nhiên ở Ninh Thuận phân bố, có thể tạm chia theo vùng nhỏ liên huyện như sau:
+ Vùng núi Bắc tỉnh: là hệ thống núi tạo thành hình lòng máng mà hai bờ máng là dãy núi Đá Mài (Đá Mài Trên và Đá Mài Dưới), ranh giới vùng này kéo dài từ các xã giáp hai huyện Thuận Bắc, Bác Ái, đến đoạn Quốc lộ 1A từ ranh giới thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa vào đến cầu Lăng Ông 1 thuộc xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc.
+ Vùng núi Tây – Tây Bắc tỉnh: là vùng có nhiều ngọn núi cao liên tiếp nằm dọc theo ranh giới ba tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Ninh Thuận vào đến đèo Ngoạn Mục như: núi Phước Bình (trong dãy Gia Rích) cao 1.926m nằm ở ranh giới Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng và ba ngọn núi Hòn Chan (1.978m), núi Chuẩn (1.645m), núi Kanan (1.515m) nối tiếp nhau thành liên sơn nằm dọc theo ranh giới hai tỉnh Lâm Đồng – Ninh Thuận.
Từ liên sơn này ở phía Tây – Tây Bắc tỉnh, dãy núi đi dần xuống và trải rộng ra ở khu vực giáp ranh hai tỉnh Khánh Hòa – Ninh Thuận. Càng đi về phía Đông, các ngọn núi càng thấp dần theo chiều dọc từ Bắc vào Nam, như: ngọn La By (1.840m), ngọn Thia Lao (1.637m), ngọn Gou-Karan (1.818m), ngọn Hòn Bà (1.213m), ngọn Cà Cho (1.451m), núi Rã Trên (1.113m).
+ Vùng núi Đông – Đông Bắc tỉnh: là vùng giáp biển bằng một quần sơn Núi Chúa nằm trong phạm vi giới hạn bởi vịnh Cam Ranh, vòng ra bờ biển phía Đông, dọc xuống phía Nam từ các xã Công Hải (huyện Thuận Bắc) đến các xã Vĩnh Hải, Thanh Hải, Nhơn Hải (huyện Ninh Hải), ranh giới phía Tây của quần sơn Núi Chúa là Quốc lộ 1A (ở khu vực các xã Bắc Sơn, Lợi Hải huyện Thuận Bắc) và trở ngược về hướng Cam Ranh. Đây là một quần sơn dày đặc các ngọn núi nối tiếp nhau, trong đó núi Chúa (Cô Tuy) là ngọn cao nhất (1.040m) nằm ở chính giữa (phía Đông Quốc lộ 1A), bao quanh núi Chúa có nhiều ngọn núi, như: ở mạn Bắc có núi Nước Nhĩ (722m), núi Ông (950m), núi Chùa (604m), núi Hòn Tý (560m); ở mạn Tây có dãy Kiền Kiền lan ra tận Quốc lộ 1A, chạy dài từ xã Công Hải vào đến thôn Kiền Kiền, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc; ở mạn Đông và Nam quần sơn Núi Chúa có núi Bà Đương (222m), núi Láng Mị (581m), núi Hòn Bà (800m).
+ Vùng núi Tây Nam tỉnh: là một chi núi thuộc cao nguyên Di Linh chạy dài ra biển tới Mũi Dinh nhưng phần lớn các ngọn núi này nằm trên địa phận Bắc tỉnh Bình Thuận, chỉ một ít nằm trên địa phận tỉnh Ninh Thuận. So với các núi phía Tây - Tây Bắc tỉnh Ninh Thuận thì các núi vùng này thấp hơn. Ngọn cao nhất trong vùng là núi Hòn Điều (Hòn Diên 1.528m) nằm giáp ranh hai tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận. Các ngọn núi thấp hơn có núi Tà Trú (Tha Tou cao 1.178m), núi Là A (Ya Bo 1.031m).
Mạch núi chạy ra sát biển đều có độ cao dưới 1.000m, tính từ Tây sang Đông có núi Giá Loa (789m), núi Ông Rốc (863m), núi Ngọc Tĩnh (898m) đều nằm về phía Tây Quốc lộ 1A; núi Đá Bạc (644m), núi Cà Ná (339m), núi Hòn Mây (220m) chạy dài ra đến Mũi Dinh, núi Ma Dắc, còn gọi là Ma Vick (354m), núi Chà Bang (432m) nằm về phía Đông Quốc lộ 1A.
+ Vùng núi ở địa bàn đồng bằng: vùng núi này có một số đồi thấp và núi đột xuất xen kẽ như: núi Cà Đú có độ cao 318m, núi Đá Chồng (Thạch Lũy Sơn) cao 86m, núi Đất cao 180m, núi Ngỗng cao 126m, núi Tháp (đồi Trầu) phường Đô Vinh cao 67,4m.
+ Rừng: tài nguyên rừng tỉnh Ninh Thuận thuộc dạng phong phú, diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh là 239.300ha, trong đó: rừng phòng hộ: 176.700ha; rừng đặc dụng: 42.300ha và rừng sản xuất: 20.300ha (Theo: Báo cáo Tóm tắt chương trình phát triển nhà ở đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, tháng 5-2013).
+ Một số cơ quan quản lý và bảo vệ rừng.
- Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Hồ Sông Sắt: Địa chỉ: thôn Tà Lú 2, xã Phước Đại, huyện Bác Ái. Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Hồ Sông Sắt tiền thân là Ban Quản lý rừng phòng hộ sản xuất Phước Đại thành lập năm 1993. Đến năm 1996, sáp nhập và đổi tên là Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Hồ Sông Sắt (Quyết định số 649/CT ngày 08 tháng 3 năm 1996 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận).
- Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Hồ Sông Trâu: Địa chỉ: thôn Kiền Kiền, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc. Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Hồ Sông Trâu tiền thân là Lâm trường Ninh Hải thành lập năm 1984. Đến năm 1996, đổi tên là Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Hồ Sông Trâu (Quyết định số 653/CT ngày 08/03/1996 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận).
- Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Hồ Tân Giang: Địa chỉ: xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Hồ Tân Giang tiền thân là Ban Quản lý rừng phòng hộ và sản xuất Phước Hà thành lập năm 1993. Đến năm 1996 đổi tên là Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Hồ Tân Giang (Quyết định số 652/CT ngày 08/03/1996 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận). Đơn vị có nhiệm vụ góp phần bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn nước cho hệ thống hồ Tân Giang nhằm phục vụ sản xuất và đời sống các xã 2 huyện Thuận Nam, Ninh Phước.
- Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Pha: Địa chỉ: Km 49+200 Quốc lộ 27, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn. Đơn vị thành lập năm 2009, có nhiệm vụ góp phần bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn nước cho hệ thống sông Ông, sông Cái nhằm phục vụ các hoạt động sản xuất và đời sống các xã huyện Ninh Sơn.
- Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước: Địa chỉ: Quốc lộ 1A, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam. Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước tiền thân là Lâm trường Ninh Phước thành lập năm 1993. Năm 1996 đổi tên là Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước (Quyết định số 650/CT ngày 08/03/1996 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận). Nhiệm vụ quản lý diện tích rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp 16.227ha thuộc địa bàn các xã: Phước Diêm, Phước Minh, Phước Nam, Phước Dinh, Cà Ná.
- Vườn Quốc gia Núi Chúa: Địa chỉ: thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải. Vườn Quốc gia Núi Chúa thành lập năm 2003. Tiền thân là Ban Quản lý rừng phòng hộ - sản xuất Thuận Bắc lập năm 1993. Năm 1998, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ra Quyết định số 659 QĐ/TH nâng cấp và đổi tên là Khu bảo tồn thiên nhiên rừng khô hạn Núi Chúa. Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 134/2003/QĐ-TTg đổi tên là Vườn Quốc gia Núi Chúa.
Vườn Quốc gia Núi Chúa có diện tích tự nhiên 29.865ha, có ba mặt giáp biển, phía Đông và Nam là Biển Đông thuộc các xã Vĩnh Hải và Nhơn Hải, thuộc huyện Ninh Hải, phía Nam là đầm Nại, ranh giới phía Tây là Quốc lộ 1A. Là một quần thể núi nằm ven biển, núi cao nhất là núi Cô Tuy, đỉnh núi cao 1.040m so với mặt nước biển, Vườn Quốc gia Núi Chúa có tài nguyên thiên nhiên rất phong phú và đa dạng: 1.265 loài thực vật quý và 306 loài động vật quý hiếm như chà vá chân đen, gấu ngựa, gấu chó, beo lửa... Ngoài ra ở đây còn có động vật, thực vật biển: rùa biển, san hô, cỏ biển và các tài nguyên sinh vật biển khác. Vườn Quốc gia Núi Chúa còn là điểm du lịch nổi tiếng gắn với vịnh Vĩnh Hy, du khách có thể khám phá nhiều cảnh đẹp của rừng và biển, có hồ treo trên vách núi đá, quanh năm nước trong xanh, nhiều động vật, thực vật sinh sống, có suối Lồ Ồ nằm giữa vách núi đá với làn nước mát lạnh.
- Vườn Quốc gia Phước Bình: Địa chỉ: thôn Gia É, xã Phước Bình, huyện Bác Ái. Vườn Quốc gia Phước Bình thành lập năm 2006. Tiền thân là Ban Quản lý rừng phòng hộ Phước Bình thành lập năm 1993. Năm 1996, sáp nhập và đổi tên là Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Cái. Năm 2002 Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Phước Bình. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 08/06/2006 chuyển thành Vườn Quốc gia Phước Bình.
Vườn Quốc gia Phước Bình có tổng diện tích 19.814ha, phía Đông giáp huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, phía Tây giáp rừng phòng hộ đầu nguồn Thủy điện Đa Nhim, tỉnh Lâm Đồng, phía Nam giáp Công ty Lâm nghiệp Tân Tiến, tỉnh Ninh Thuận, phía Bắc giáp Vườn Quốc gia Bi Doup - Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng và Công ty Lâm sản Khánh Hòa, tỉnh Khánh Hoà. Vườn Quốc gia Phước Bình có rừng tự nhiên của hệ sinh thái rừng vùng núi cao, đồng thời cùng với Vườn Quốc gia Bi Doup - Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng tạo thành một vùng bảo tồn thiên nhiên rộng lớn, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ; trong đó bảo tồn kiểu rừng khô hạn của tỉnh Ninh Thuận. Vườn Quốc gia Phước Bình có 1.225 loài thực vật và 327 loài động vật quý hiếm, tiêu biểu là bò tót, đang được bảo vệ trong mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học. Vườn Quốc gia Phước Bình còn có nhiệm vụ góp phần nâng cao năng lực phòng hộ đầu nguồn nước cho hệ thống sông Cái nhằm phục vụ các hoạt động sản xuất và đời sống trong vùng.
Ngoài ra Vườn Quốc gia Phước Bình còn chú trọng phát triển du lịch sinh thái với các điểm quan sát động vật, thực vật trên các chòi cao, tham quan hồ sinh thái sông Tương, suối Gia Nhông, sông Cái, hồ sinh thái Đa Mây, các tuyến du lịch mạo hiểm từ trạm Gia Nhông, Bố Lang đến chân núi Hòn Chan, suối Đa Mây, núi Gia Rích, du khảo đến Di tích bẫy đá Pinăng Tắc tại thôn Hành N'Rạc 1, một thôn văn hoá dân tộc Ra glai.
2. Núi, đồi, rừng theo địa giới thành phố, huyện.
2.1. Núi, đồi, rừng... thuộc Phan Rang – Tháp Chàm.
- Đồi Ma Thiên Lãnh (tên cũ): Thuộc phường Đô Vinh, đồi cao 34m. Thời Pháp người dân quen gọi đồi này là Ma Thiên Lãnh ở khu vực Đề-pô và ga Tháp Chàm, nơi xây dựng khu nhà ở cho viên chức Hỏa xa, cũng là nơi trước năm 1975 có bến xe lam Phan Rang – Tháp Chàm. Theo dòng lịch sử: "Tháp Chàm: gồm 2 làng Bảo An, Đô Vinh đều có ngũ hương (lý trưởng, hương bổn), thuộc tổng Đắc Nhơn và khu vực Sở Hỏa xa (ga, đề pô, Ma Thiên Lãnh)"[1]. Tên gọi Đồi Ma Thiên Lãnh người dân đặt là do đi bộ lên xuống đồi này nhọc nhằn, khó khăn như cửa ải Ma Thiên Lãnh trong truyện Tiết Nhơn Quý chinh Đông, ải hiểm yếu mà nhiều lần Tiết Nhơn Quý đánh Cáp Tô Văn.
- Đồi Trầu (tên cũ): Thuộc phường Đô Vinh, cao 67,4m người Chăm gọi là Mbuen Hala, dân gian gọi bằng tiếng Việt là Đồi Trầu vì có truyền thuyết kể rằng: thời trẻ, Po Klaong Girai cùng Po Klaong Can đi buôn trầu dừng lại nghỉ ở đồi này. Trên đồi này từ thế kỷ XIII, người Chăm xây dựng tháp thờ vua Po Klaong Girai (1151 – 1205), dân gian gọi là tháp Chàm.
- Láng Don (tên cũ): Thuộc phường Văn Hải, tên người dân quen gọi Văn Sơn ngày xưa là Láng Don, nay thuộc khu phố Văn Sơn 1 và 2 (Xem mục phường Văn Hải).
- Láng Mun (tên cũ): Là làng Tân Hội thuộc xã Thành Hải. Xưa ở đây có nhiều cây mun nên người dân quen gọi như thế. Trước năm 1885 xây dựng nhà thờ gọi là nhà thờ Láng Mun, nay là nhà thờ Tân Hội.
- Núi Đất: Thuộc phường Đô Vinh, cao 86m nằm trong khu vực sân bay Thành Sơn.
- Núi Thấp: Thuộc phường Đô Vinh, nằm trong khu vực sân bay Thành Sơn.
- Rừng Cấm (tên cũ): Thuộc phường Văn Hải. Ngày xưa mỗi làng hầu như đều có khoảnh rừng cấm, rừng thiêng riêng của làng. Rừng Cấm là tên người dân quen gọi một khu rừng ngày xưa phía Bắc khu vực Văn Sơn, có tục lệ cấm dân chặt phá. Trong sách Lịch sử Đảng bộ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm có ghi: "Địa điểm thành lập tráng đoàn Hướng đạo tại rừng Cấm làng Văn Sơn (nay là xã Văn Hải)"[2].
- Rừng Yến Sơn (tên cũ): Thuộc phường Bảo An. Rừng Yến Sơn là khu rừng xưa gần sông Dinh. "Ngày 20 tháng 8 năm 1945, khoảng 12 giờ tại “Ngũ hành miếu” ở giữa rừng Yến Sơn (phường Bảo An), anh Lê Chưởng thay mặt Việt Minh tỉnh chủ trì cuộc họp để triển khai những quyết định khởi nghĩa giành chính quyền của Hội nghị Việt Minh tỉnh"[3].
Theo đối chiếu của chúng tôi, rừng Yến Sơn nguyên tên là Rừng Cấm trong sách của Lê Quang Định viết từ thời Gia Long: "Phía Nam cầu này (cầu Bảo - ĐH) là rừng rậm, tiếp đến là sông lớn (sông Dinh - ĐH), cấm người địa phương không được chặt cây, tục gọi là Rừng Cấm, người Kinh và người Thuận Thành có đắp con đê từ bên Bắc sang bên Nam dài 130 tầm dẫn nước qua cầu cho chảy vào bàu để tưới ruộng"[4].
2.2. Núi, đồi, rừng... thuộc huyện Bác Ái.
- Dãy Núi Bo Bo: Thuộc các xã Phước Tân, Phước Tiến cao 1.996m.
- Dãy Núi Đá Đứng: Thuộc xã Phước Tân.
- Dãy Núi Ta Ra Nhin: Thuộc xã Phước Tân.
- Núi Bayou: Thuộc xã Phước Thành, cao 763,4m.
- Núi Bầu Đỉa: Thuộc xã Phước Hòa, cao 1.544m.
- Núi Ca Yam: Thuộc xã Phước Hòa, cao 1.547m.
- Núi Che Lin: Thuộc xã Phước Bình, cao 973m.
- Núi Chuẩn: Thuộc xã Phước Hòa, cao 1.645m.
- Núi Dốc Quýt: Thuộc xã Phước Thành, cao 573m.
- Núi Dia Bil: Thuộc xã Phước Hòa, cao 859m.
- Núi Dio Dắc (Doc): xã Phước Đại, cao 440m.
- Núi Dio Dắc: Thuộc xã Phước Tiến.
- Núi Đá Đứng: Thuộc xã Phước Hòa, cao 766m.
- Núi Đô La: Thuộc xã Phước Trung, cao 514m.
- Núi É Quế: Thuộc xã Phước Đại, cao 1.112m.
- Núi Gà Bươi: Thuộc xã Phước Đại, cao 428m.
- Núi Gia Rích: Thuộc xã Phước Bình, dãy núi giáp địa bàn xã Phước Bình và Cao nguyên Lâm Viên, có đỉnh núi cao 1.922,7m.
- Núi Gou Ka Ram: Thuộc xã Phước Hòa, cao 1.012m.
- Núi Hà La Thượng: Thuộc xã Phước Thành, cao 1.022m.
- Núi Hao Chu Hi: Thuộc địa bàn thôn Đồng Dày, xã Phước Trung, cao 1.451m.
- Núi Hòn Chan: Thuộc xã Phước Bình, cao 1.978,1m.
- Núi Hòn Xanh: Thuộc xã Phước Thành, cao 1.276m.
- Núi Hòn Xanh: Thuộc xã Phước Tiến.
- Núi Ka Da: Thuộc xã Phước Tiến, cao 377m.
- Núi Ka Lu: Thuộc các xã Phước Đại, Phước Thắng, cao 382m.
- Núi Khassa: Thuộc xã Phước Hòa, cao 1.331m.
- Núi Ma Hon: Thuộc xã Phước Bình, cao 1.004m.
- Núi Ma Oua Op: Thuộc xã Phước Đại, cao 840m.
- Núi Ma Rớ: Thuộc xã Phước Thành, cao 354m.
- Núi Ma Tú: Thuộc xã Phước Thành.
- Núi Một: Thuộc xã Phước Bình, cao 452m.
- Núi Phước Hòa: Thuộc xã Phước Hòa, cao 1.393m.
- Núi Rã Giữa: Thuộc xã Phước Trung, cao 424m.
- Núi Rã Trên: Thuộc xã Phước Trung, cao 1.113m, còn gọi là núi Đen. Khi phát động kháng chiến (1946 - 1947), cơ quan tỉnh Ninh Thuận: Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, Việt Minh, dời lên núi Rã Trên lập căn cứ, đặt tên là Paris, vì nơi đây rất lạnh.
- Núi Rài: Thuộc xã Phước Trung, cao 568m.
- Núi Rây: Thuộc xã Phước Chính, cao 342m.
- Núi Ro: Thuộc xã Phước Thắng, cao 122m.
- Núi Sa Bia: Thuộc xã Phước Bình.
- Núi Suối Ngang: Thuộc xã Phước Trung, cao 216m.
- Núi Ta Ra Nhin: Thuộc xã Phước Bình, cao 1.015m.
- Núi Tapla: Thuộc xã Phước Thành, cao 1.310m.
- Núi Tà Liên: Thuộc xã Phước Đại, cao 416m.
- Núi Tà Nang: Thuộc trong địa bàn các xã Phước Đại, Phước Thành, Phước Chính, cao 1.043m. (Xem mục núi Tà Nang, chương Địa danh đối chiếu Việt – Ra glai).
Có thơ rằng:
Đỉnh Tà Nang vời vợi
Kiên trung thách thức kẻ thù
Dông bão nắng mưa
Người Raglai bao đời cư trú.
(Bạch Vân Thanh: Dưới chân núi Tà Nang)
- Núi Tchai: Thuộc xã Phước Bình, cao 1.202m.
- Núi Tha Nhonh: Thuộc xã Phước Bình, cao 1.792m.
- Núi Thất Sơn: Thuộc xã Phước Chính, cao 566m.
- Núi Ti Ao Mông: Thuộc xã Phước Tiến, cao 492m.
- Núi Tio Koua Nio: Thuộc xã Phước Tiến, cao 854m.
- Núi U Ran: Thuộc xã Phước Bình, cao 953m.
- Núi Xanh: Thuộc xã Phước Chính, cao 1.276m.
- Núi Ya Dắc: Thuộc xã Phước Đại.
- Núi Ya Dú: Thuộc xã Phước Tiến.
2.3. Núi, đồi, rừng... thuộc huyện Ninh Hải.
- Đồi Tà Quang: Thuộc thôn Thái An, xã Vĩnh Hải. Sự kiện lịch sử: tại đồi này lực lượng vũ trang cách mạng địa phương phục kích bắn tỉa địch ngày 30 tháng 3 năm 1963.
- Gò Thanh Hiếu: "Gò Thanh Hiếu: ở phía Đông huyện Yên Phước. Lại có gò Xích Thị sinh cây hồng đỏ. Gần đấy về phía Bắc có gò Thái An, tục gọi là Lũng Lúa"[5].
- Hòn Dồ: Thuộc xã Nhơn Hải, cao 509m. Hòn Dồ được công nhận di tích cấp tỉnh. Loại hình: Lịch sử Cách mạng. Ngày cấp bằng 30-01-2007. Số bằng: 363/2007/QĐ-UB. Cơ quan phụ trách hiện nay: Phòng VH-TT Ninh Hải.
- Hòn Đá Mặt Quỷ: "Hòn Đá Mặt Quỷ: Trên núi Quýt (ở xã Tri Hải - ĐH) có một hòn đá lớn ngoảnh mặt lên vùng Tri Thủy, Dư Khánh gọi là hòn đá Mặt Quỷ. Đó là hiện tượng thiên nhiên"[6].
- Hòn Đỏ: Thuộc xã Thanh Hải, cao 8,5m.
- Hòn Ngang: Thuộc xã Nhơn Hải, cao 98,5m.
- Hòn Thiên: Thuộc xã Tân Hải, phía Đông Bắc núi Cà Đú. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi là núi Bình Thiên: Phía Bắc núi kề đầm Hương Cựu, gần đấy có núi Bình Thiên (nay gọi là Hòn Thiên - ĐH), núi Ni Cô, núi Bà Tu, núi Dư Khánh, núi Mậu Trường, núi Dốc Liệt”[7]. Hòn Thiên sát Đầm Nại, là nơi phong cảnh sơn thủy hữu tình nên nhiều họa sĩ, nhiếp ảnh gia đến sáng tác tranh, ảnh.
- Láng Ông Độ: Thuộc thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải. Sự kiện lịch sử: Tháng 7 năm 1947, tại đây du kích mai phục kích diệt một số lính Pháp đi tuần tiễu.
- Núi Bà Đương: Thuộc xã Vĩnh Hải, cao 220m.
- Núi Bà Lang Chiêu: Thuộc xã Vĩnh Hải.
- Núi Bàu Ông Gỉ/Dỉ: Thuộc xã Vĩnh Hải, cao 21,5m.
- Núi Bồ Bồ: Thuộc xã Vĩnh Hải. Sự kiện lịch sử: địa điểm này Huyện ủy Thuận Bắc trưng binh, huy động thanh niên trong phạm vi Vùng I xung phong lên chiến khu kháng chiến vào năm 1948. Cũng tại núi này, tháng 3 năm 1961, quân đội Mỹ - Diệm tập trung hơn 1 tiểu đoàn cùng 1 trung đội cảnh sát tổ chức càn quét.
- Núi Cà Đú: Thuộc thị trấn Khánh Hải và xã Hộ Hải, cao 319m, chu vi khoảng 10 km, người Chăm gọi là Cek Kanduk, nghĩa là con đú, con vích, rùa biển. Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí soạn thời Gia Long ghi như sau: “...Hai bên đường đều là đất ngập nước, phía Tây Bắc có ruộng cấy lúa, nhìn ra phía Đông Nam chừng một dặm thấy có một ngọn núi, tục gọi là núi Tà Đố (Cà Đú - ĐH), ở đó có nhiều cọp beo, khách đi đường phải lưu ý"[8]. Sự kiện lịch sử: năm 1885, khi nghe tin vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, một số người làng Văn Sơn có tư tưởng yêu nước đã dựa vào địa thế hiểm trở của núi Cà Đú, lấy vòng Ông Phiến làm căn cứ tập hợp nhân dân đứng lên chống Pháp. Nhiều cuộc chiến đấu diễn ra ở khu vực Văn Sơn, ở truông Cà Đú. Trên đỉnh núi có láng bằng gọi là vòng Ông Phiến. Năm 1947, núi Cà Đú trở thành căn cứ du kích, năm 1948, cơ quan kháng chiến của Thị ủy Phan Rang - Tháp Chàm chuyển lên núi Cà Đú hoạt động cho đến năm 1975. Núi Cà Đú được công nhận di tích cấp tỉnh: Loại hình Lịch sử cách mạng. Ngày cấp bằng 16-4-1999. Số bằng: 1170/1999/QĐ-UB. Cơ quan phụ trách hiện nay: Phòng VH-TT huyện Ninh Hải.
- Núi Chúa Anh: Thuộc xã Vĩnh Hải, cao 1.003m, gần thôn Đá Hang.
- Núi Cọc: Thuộc xã Vĩnh Hải.
- Núi Đá Chồng: tên chữ là Thạch Lũy Sơn, thuộc thị trấn Khánh Hải, còn gọi là núi Trùng Sơn, cao 86m.
- Núi Đá Vách: Thuộc xã Vĩnh Hải, cao 330m.//////////////
- Núi Đình: Núi ven Đầm Nại thuộc thôn Phương Cựu 1, xã Phương Hải, cao 50m, có di tích đình Mỹ Phương nên gọi là núi Đình. Núi có nhiều khối đá lớn chồng lên nhau tạo hang động, có truyền thuyết nói có cọp vào tu.
- Núi Đình: Thuộc xã Tri Hải, cao 46m. Phân biệt núi Đình thôn Phương Cựu 1, xã Phương Hải.
- Núi Giếng Bẹn: Thuộc xã Vĩnh Hải.
- Núi Giếng Nấp: Thuộc xã Vĩnh Hải, cao 326m.
- Núi Kèo Ngựa: Thuộc xã Vĩnh Hải. Theo dòng lịch sử: địa điểm đồng bào lánh giặc ra lập khu an toàn vào năm 1949, sau đó thuộc Khu Dân sinh I.
- Núi Láng Chổi: Thuộc xã Vĩnh Hải.
- Núi Láng Cốc: Thuộc 2 xã Vĩnh Hải, xã Thanh Hải.
- Núi Láng Mị: Thuộc xã Vĩnh Hải.
- Núi Một: Thuộc xã Tri Hải.
- Núi Một: còn gọi là núi Hòn Một, thuộc làng Thái An, xã Vĩnh Hải. Sự kiện lịch sử: nơi lực lượng vũ trang phục kích bắn tỉa quân đội Sài Gòn ngày 30 tháng 3 năm 1963. (Phân biệt núi Một xã Tri Hải).
- Núi Ông Câu: Thuộc xã Thanh Hải, cao 110m. Lại có núi gọi là núi Ông Cơi (có lẽ trùng tên núi). Sự kiện lịch sử: nơi lực lượng vũ trang phục kích bắn tỉa quân đội Sài Gòn ngày 30 tháng 3 năm 1963.
- Núi Ông Thọ: Thuộc xã Vĩnh Hải.
- Núi Quýt: Thuộc xã Tri Hải, cao 356m. Trên núi Quýt có một hòn đá lớn ngoảnh mặt ra sông Tri Thủy, Dư Khánh gọi là hòn đá Mặt Quỷ, đó là hiện tượng thiên nhiên[9].
- Núi Rừng Hổ: Thuộc xã Vĩnh Hải, cao 234m.
- Núi Thanh Hiếu: Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: "Gò Thanh Hiếu: ở phía Đông huyện Yên Phước. Lại có gò Xích Thị sinh cây hồng đỏ. Gần đấy về phía Bắc có gò Thái An, tục gọi là Lũng Lúa"[10]. Sách Non nước Ninh Thuận ghi: "Kề núi Quýt là núi Thanh Hiếu, có đường đèo đi qua vùng Mỹ Tường. Tại đây có chùa Hang và nhiều cảnh đẹp"[11]. Sách Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Hải (1940 – 1975), xuất bản tháng 2 – 2001 ghi: "Thị Hồng là Mỹ Hòa".
- Núi Trũng Bầu: Thuộc xã Vĩnh Hải. Theo dòng lịch sử: nơi đồng bào lánh giặc ra lập khu an toàn vào năm 1949, sau thuộc Khu Dân sinh I.
2.4. Núi, đồi, rừng... thuộc huyện Ninh Phước.
- Đồi cát Nam Cương: Thuộc xã An Hải, cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 8km về hướng Đông Nam. Địa hình là những đồi cát mịn, gợn sóng, nối tiếp nhau. Nhìn từ xa, màu đồi cát phân giải nhiều tầng, nhiều lớp như một bức tranh nhiều đường nét do nắng và gió biển tạo thành, trông rất lạ mắt.
- Đồi Cho: Thuộc xã Phước Hữu, cao 86m: người Chăm gọi là Mbuen Caow, là nơi xây dựng tháp thờ vua Po Ramé, thôn Hậu Sanh.
- Gò Cao: Thuộc xã Phước Hữu, dân gian gọi gò Cao.
- Gộp Dài: Ở phía Tây xã Phước Hữu.
- Hòn Bà: Thuộc xã Phước Thái. Sự kiện lịch sử: từ năm 1885 nghĩa quân Cần Vương của tướng Phan Lành đã lập căn cứ tại Hòn Bà để chống Pháp.
- Hòn Một: Thuộc xã Phước Hữu.
- Láng Ngài: Thuộc thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu.
- Núi Chòng Gẫm: Thuộc xã Phước Hữu, cao 65,2m
- Núi Chông: Thuộc xã Phước Thái, cao 46m.
- Núi Da Ó: Thuộc xã Phước Vinh, cao 852,7m.
- Núi Đá Chồng: Ở phía Tây xã Phước Hữu.
- Núi Đá Trắng: Thuộc xã Phước Thái, cao 41m, người Chăm gọi là Cek Yang Patao. Núi gắn liền huyền thoại chằn tinh. Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí ghi: “Phía Đông có hòn núi nhỏ đá trắng, tục gọi là Đá Trắng thuộc địa phận phường Tiến Đức, phía Tây là dân cư vùng Thuận Thành sinh sống rất trù mật, tục gọi là điếm Nha Mọi. 1.728 tầm, đường đi bằng phẳng, hai bên đều là rừng thưa, ở giữa có ruộng cấy lúa”[12].
- Núi Đao: Thuộc xã Phước Thái.
- Núi Đen: Thuộc xã Phước Thái, cao 466m.
- Núi Đỏ: Thuộc xã Phước Vinh, cao 287,3m. Có sách ghi Hòn Đỏ, nơi in báo Chiến thắng.
- Núi Giếng Tiên: Thuộc xã Phước Thái.
- Núi Hàng (Nàng) Ngo Riêng: Thuộc xã Phước Thái.
- Núi La Clai (Gia Lai): Thuộc xã Phước Thái, cao 190m.
- Núi Luống Khoai: Thuộc xã Phước Hữu.
- Núi Nước Bay: Thuộc xã Phước Hữu.
- Núi Nước Bẹn: Thuộc xã Phước Hữu, nối dài núi Đá Chồng.
- Núi Nước Rùa: Thuộc xã Phước Thái.
- Núi Rom Lon: Thuộc xã Phước Vinh, cao 370m.
- Núi Sa Rá: Thuộc xã Phước Vinh, cao 200m.
- Núi Tà Bằng: Thuộc thôn Hoài Trung, xã Phước Thái, cao 134,5m. Núi còn gọi là Hòn Bằng.
- Núi Tảo Lai: Thuộc xã Phước Thái.
- Rừng Lai: Thuộc xã Phước Sơn. Sự kiện lịch sử: Ngày 28 tháng 1 năm 1946 Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh chuyển lên làng Bình Chánh (Rừng Lai). Lai: chỉ cây lai, lim.
- Rừng Xoài: Thuộc thôn Thái Giao, xã Phước Thái.
- Truông Rậm: Ở phía Tây thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, nay là Bàu Zôn. Ngày xưa truông này từ Hữu Đức đi lên Phước Thái, nay là đường men dọc mương Nhật. Sự kiện lịch sử: Theo sách Truyền thống cách mạng Phụ nữ Ninh Thuận, xuất bản 1997, vào tháng 2 năm 1950, tại truông này tiểu đội vận tải nữ đã bị địch phục kích bắn chết 7 chị.
2.5. Núi, đồi, rừng... thuộc huyện Ninh Sơn.
- Dãy Núi Dài: Thuộc xã Nhơn Sơn.
- Hòn Đỏ: Ở phía Tây xã Hòa Sơn, cao 288m.
- Hòn Lớn: Thuộc xã Ma Nới, cao 626m.
- Núi A Tah: Thuộc xã Ma Nới, cao 782m.
- Núi Ba Cụm: Thuộc xã Hòa Sơn, cao 199 m.
- Núi Bon Non: Thuộc xã Lâm Sơn, cao 1.651m.
- Núi Dam: Thuộc xã Ma Nới, cao 838m.
- Núi Dia Gou: Thuộc xã Lâm Sơn, cao 922m.
- Núi Đá Trắng: Thuộc xã Ma Nới, cao 534m. Theo dòng lịch sử: "Tháng 10 năm 1940, ta ra báo “Chiến Thắng” làm tiếng nói của Cách mạng, phổ biến đường lối chủ trương, cổ vũ phong trào, cơ sở in tại rẫy sông Quao, đến năm 1941 chuyển lên Đá Trắng, báo in giấy sáp từ 4 đến 6 trang khổ giấy học trò. Từ Ninh Thuận, báo Chiến Thắng bí mật phát hành đến các tỉnh bạn xung quanh",[13]. Có tài liệu khác ghi: "Đá Trắng thôn Phú Thạnh, xã Mỹ Sơn". Từ Đồng Mé có đường đi núi Đá Trắng.
- Núi A Tah: Thuộc xã Ma Nới, cao 782m.
- Núi Đất: Thuộc xã Mỹ Sơn, cao 154,8m.
- Núi Gia Gouai: Thuộc xã Ma Nới, cao 896m.
- Núi Gia Túc: Thuộc xã Ma Nới.
- Núi Gia Va: Thuộc xã Ma Nới, cao 1.164m.
- Núi Hòn Bà: Thuộc 2 xã Quảng Sơn, Lương Sơn, cao 636,7m.
- Núi Hòn Chột: Thuộc xã Hòa Sơn, còn gọi là núi Độc Lập, cao 290m.
- Núi Hòn Diên (hay núi Kay Kamao): Thuộc xã Ma Nới, cao 1.528m.
- Núi Hòn Giài: Thuộc xã Mỹ Sơn, cao 181,8m.
- Núi Hòn Gió: Thuộc xã Mỹ Sơn, cao 481m.
- Núi Hòn Khô: Thuộc thôn Phú Thủy, xã Mỹ Sơn, cao 122m.
- Núi Hòn Triêng: Thuộc xã Mỹ Sơn, cao 122m.
- Núi Hòn Trọc: Thuộc thôn Phú Thạnh, xã Mỹ Sơn, cao 122m.
- Núi Kom Lom: Thuộc xã Ma Nới, cao 784m.
- Núi Ma Rông A: Thuộc xã Ma Nới, cao 826m.
- Núi Ma Rông B: Thuộc xã Ma Nới, cao 1.368m.
- Núi Ngà: Thuộc xã Hòa Sơn, cao 571m.
- Núi Ngỗng: Thuộc xã Nhơn Sơn, cao 27m.
- Núi Nha Huệ: Thuộc xã Ma Nới.
- Núi Pawan: Thuộc xã Mỹ Sơn.
- Núi Rapara: Thuộc xã Ma Nới, cao 1.184m.
- Núi Sa Ra: Thuộc xã Ma Nới.
- Núi Sa Rú: Thuộc xã Ma Nới, cao 832m.
- Núi Sơn Đỏ: Thuộc xã Ma Nới.
- Núi Sương Mù: Thuộc xã Lâm Sơn, cao 1.254m.
- Núi Tầm Ngân: Thuộc xã Lâm Sơn, cao 1.472m.
- Núi Tha Tou: Thuộc xã Ma Nới, cao 854m.
- Núi Vàng: người Ra glai gọi là – Cơq Maqh, thuộc xã Lâm Sơn, Lương Sơn, cao 616m.
- Núi Ya Bon Nanh: Thuộc xã Lâm Sơn, cao 1.588m.
- Núi Yam: Thuộc xã Ma Nới.
2.6. Núi, đồi, rừng... thuộc huyện Thuận Bắc.
- Dãy Kiền Kiền: Thuộc các xã Bắc Sơn, Lợi Hải, cao 443m.
- Dãy núi Chúa hay núi Vàng/Vang/Yang: Thuộc địa bàn các xã Công Hải, Lợi Hải, huyện Thuận Bắc và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, có nhiều ngọn núi có tên riêng, ngọn cao nhất là Cô Tuy cao 1.040m, dân gian gọi là dãy núi Chúa.
- Hòn Dung: Thuộc xã Bắc Sơn.
- Hòn Tý: Thuộc xã Công Hải, cao 580m.
- Láng Me: Thuộc xã Bắc Sơn, láng tự nhiên vùng đất bằng, có nước nhỉ chảy ra mặt đất, nay là thôn Láng Me.
- Núi Ba Hồ: Thuộc xã Công Hải.
- Núi Bà: Thuộc xã Công Hải.
- Núi Bà Râu: Thuộc xã Lợi Hải, cao 24m.
- Núi Bà Thầy: Thuộc xã Lợi Hải, người Ra glai gọi là Cơq Ia Ma.
- Núi Bằng: Thuộc xã Bắc Sơn.
- Núi Bầu: Thuộc xã Công Hải.
- Núi Beo: Thuộc thôn Gò Sạn.
- Núi Cây Ké: Thuộc xã Phước Kháng.
- Núi Ché: Thuộc xã Công Hải.
- Núi Chúa Em: Thuộc xã Lợi Hải, cao 903m.
- Núi Chùa/Chúa: Thuộc xã Bắc Sơn, cao 321m.
- Núi Cô Lô: Thuộc các xã Công Hải, Phước Chiến, cao 336m.
- Núi Dài: Thuộc xã Lợi Hải.
- Núi Đá Cao: Thuộc xã Phước Kháng, cao 868m.
- Núi Đá Mài: Thuộc xã Phước Kháng, cao 484m. Theo dòng lịch sử: Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chính quyền lập "cơ sở in các bản tin và báo Tin Thật đặt tại núi Đá Mài xã Phước Kháng"[14].
- Núi Đen còn gọi là Núi Xanh: Thuộc xã Phước Chiến, Phước Kháng, cao 1.196m.
- Núi Đồi Mây: Thuộc xã Lợi Hải.
- Núi Giác Lan: Thuộc xã Công Hải, cao 344m có mỏ đá Giác Lan.
- Núi Hòn Bà: Thuộc xã Bắc Sơn, cao 802m.
- Núi Mao: Thuộc xã Lợi Hải.
- Núi Một: Thuộc xã Bắc Phong.
- Núi Nước Nhỉ: Thuộc xã Công Hải, cao 722m.
- Núi Ông: Thuộc xã Bắc Sơn.
- Núi Ông: Thuộc xã Công Hải, cao 950m.
- Núi Ông Ngài: Thuộc xã Lợi Hải, cao 344m.
- Núi Phan: Thuộc phía Tây xã Phước Kháng.
- Núi Pháo Kích (núi Bầu): Thuộc xã Phước Chiến.
- Núi Phi: Thuộc xã Phước Kháng, cao 118m.
- Núi Sùa: Thuộc xã Công Hải, cao 903m.
- Núi Suối Bay/Núi Bay: Thuộc xã Công Hải, cao 388m.
- Núi Suối Tiên: Thuộc xã Công Hải.
- Núi Thông: Thuộc xã Phước Chiến, người Ra glai gọi là Cơq Hango, là núi có nhiều cây thông; sau này người dân ở núi này xuống định cư đặt tên thôn Động Thông.
- Truông Căng: tên cũ thuộc xã Lợi Hải, sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí ghi như sau: “Đường đi bằng phẳng, hai bên cây rừng cao lớn, rễ cây đan chéo choán cả lối đi, tục gọi là Giồng Rễ, có nhiều voi và cọp, người đi đường phải đề phòng, đến rừng Căng, rừng dài 1.222 tầm. Đường ở đây bằng phẳng, hai bên mọc toàn cây căng, tục gọi là Truông Căng, có nhiều voi và cọp, người đi đường phải thận trọng, đến suối, suối rộng 15 tầm, hai bên đường là chân núi, tục gọi là suối Kiền Kiền”[15]
2.7. Núi, đồi, rừng... thuộc huyện Thuận Nam.
- Đá Chiêng: Thuộc xã Phước Nam.
- Đồi Cà Ló: Thuộc xã Phước Nam.
- Đồi Cối Xay: Ở phía Tây Nam thôn Vụ Bổn, xã Phước Ninh 6km.
- Đồi Chuối: Thuộc xã Phước Nam.
- Đồi Vọng Phu: Thuộc xã Cà Ná.
- Đồi Kalăng: Thuộc xã Phước Ninh.
- Đồi Suối Lớn: Thuộc xã Phước Ninh, vị trí có dòng suối Nha Min tạo thành vịnh sâu, dân gian gọi là hồ Suối Lớn.
- Hòn Tre: Thuộc xã Cà Ná.
- Núi Ateng Yang: Thuộc xã Phước Hà, nghĩa là núi Vũng (nước) Thần, khu vực hồ Tân Giang, xã Phước Hà.
- Núi Ba Rốc: Thuộc xã Phước Hà, cao 410m.
- Núi Cây Sung: Thuộc xã Phước Minh, cao 248m.
- Núi Cây Xoài: Thuộc xã Phước Minh, núi nối dài với núi Tà On.
- Núi Cha Bau: Thuộc xã Phước Hà, cao 918m.
- Núi Chà Bang: Thuộc xã Phước Nam, cao 432m, có chùa Trà Cang. Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả: "Núi Trà Na: ở phía Đông huyện (Tuy Phong - ĐH), bên đường có trạm, trong có một đỉnh cao vọt, tả hữu có hai đỉnh như mũi gươm"[16]. Theo chúng tôi là núi Chà Bang thuộc huyện Thuận Nam hiện nay.
- Núi Da: Thuộc xã Phước Hà, cao 1.042m.
- Núi Đá Bạc: Thuộc các xã Phước Minh, Phước Diêm, cao 644m.
- Núi Đá Chim: Thuộc xã Phước Nam, ở xa nhìn như con chim.
- Núi Đá Giang: Thuộc xã Cà Ná.
- Núi Đất: Thuộc xã Phước Minh, hiện đang khai thác đá xây dựng.
- Núi Đèo Cả, còn gọi là Đồi Thông: Thuộc khu vực giữa xã Phước Dinh và Phước Diêm, cao 629m.
- Núi Đồi Hai: Thuộc xã Phước Hà.
- Núi Đống Rơm: Thuộc 2 xã Phước Hà, Nhị Hà, dân gian gọi là núi Hồ Đá Mán.
- Núi Gà Gáy: Thuộc xã Phước Hà.
- Núi Gạo: Thuộc xã Phước Hà, cùng khu vực với núi Kơi Kamau (Kay Kamao).
- Núi Giá Loa: Thuộc xã Phước Hà, cao 712m.
- Núi Giai: Thuộc xã Phước Hà, cao 738m.
- Núi Giếng Nghé/ Giếng Trắc: Thuộc xã Nhị Hà.
- Núi Gió Cà Ná: Thuộc xã Cà Ná, cao 896,8m.
- Núi Gió Hú: Thuộc xã Nhị Hà.
- Núi Hanyua: Thuộc xã Phước Hà.
- Núi Ha Rôn: Thuộc xã Phước Hà, cao 406m.
- Núi Hòn Mái: Thuộc xã Phước Minh, cao 602m.
- Núi Hòn Thông: Thuộc 2 xã Phước Hà, Nhị Hà, nơi tỉnh chọn xây dựng CK7 vào năm 1946.
- Núi Hồ Ba Bể: Thuộc xã Phước Dinh, cao 468m, có giếng Thùng, đá bàn Nhuôm, là những địa danh trong kháng chiến.
- Núi La Hon: Thuộc xã Phước Hà.
- Núi Ma Dắc hay Ma Vich: Thuộc xã Phước Dinh, cao 354m.
- Núi Mây: Thuộc xã Phước Diêm, núi nối dài với dãy núi Chà Bang ở phía Bắc.
- Núi Một: Thuộc xã Phước Dinh, núi có hồ gọi là hồ Núi Một. Sự kiện lịch sử: Nơi đây tháng 4 năm 1965 ta đánh tiêu diệt 1 tiểu đội biệt kích. Đến tháng 1 năm 1969 ta đánh địch càn vào diệt 12 tên, bắn rơi 1 trực thăng, 1 phản lực, 1 tàu gáo.
- Núi Mũi Dinh: Thuộc xã Phước Dinh, núi cao 223m. Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả như sau: "Danh sơn thì có núi Mũi Diên (phần đất thuộc Ninh Thuận - ĐH), núi Hương Ấn (phần đất thuộc Bình Thuận - ĐH). Sông lớn thì có sông Mai Nương (là sông Dinh trong phần đất thuộc Ninh Thuận - ĐH), sông Kì Xuyên, sống Phố Hài, sông Phan Thiết (phần đất thuộc Bình Thuận - ĐH). Đường núi ngăn chặn có núi Ô Cam (nay là núi sát eo biển Cà Ná trong phần đất thuộc Ninh Thuận - ĐH), đường biển hiểm yếu có vũng Mũi Diên"[17].
"Núi Mũi Diên: Diên Chủy (là núi Mũi Dinh), ở phía Đông Nam huyện Tuy Phong. Chân núi có 9 khúc hình như các ngón tay, nằm ngang trên bãi biển, chỗ ấy nước biển chia đường, một đường chảy về Bắc, một đường chảy về Nam, chảy rất xiết, thuyền ghe qua đấy phải cẩn thận. Phía Nam có đầm Vũng Diên, gặp gió Nam thì thuyền có thể đỗ yên được. Năm Tự Đức 13 liệt vào hành danh sơn, ghi vào điển thờ"[18].
Ở đây sách mô tả về vị trí, miêu tả về sự nguy hiểm do các luồng nước biển gây ra chính là nói về núi Mũi Dinh, tả vị trí “Đông Nam huyện Tuy Phong", người biên soạn đang lấy vị trí phủ Ninh Thuận (Kinh Dinh, Phan Rang) làm chuẩn.
Trong ca dao xưa người đi ghe bầu dọc biển có câu: "Mũi Nậy bảy bị còn ba, Mũi Dinh chín bị không tha bị nào", để nói lên sự nguy hiểm khi đi qua mũi núi và biển này. Bản đồ người Pháp ghi: Núi/mũi Padarang.
- Núi Ngang: Thuộc xã Cà Ná.
- Núi Ô Cam (tên cũ): Thuộc xã Cà Ná. Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả: "Núi ở phía Đông Nam huyện (Tuy Phong - ĐH), kề bãi biển. Đầu bản triều Chưởng cơ Tống Phước Hòa đánh nhau với Tây Sơn, đóng binh ở Ô Cam, tức là đây"[19]. Ngày nay địa danh Ô Cam không tìm thấy ở Cà Ná, xét toàn tỉnh Ninh Thuận chỉ có địa danh đập nước Ô Cam thuộc địa phận xã Phước Trung, huyện Bác Ái do người Chăm khởi dựng, người Pháp xây dựng lớn hơn. Chúng tôi tra cứu địa danh núi Ô Cam ngày xưa chính là núi sát eo biển Cà Ná trong phần đất thuộc Ninh Thuận. Bởi vì cũng theo sách Đại Nam nhất thống chí ở phần đền miếu có ghi: “Đền thần Ô Cam: ở trên núi Ô Cam huyện Tuy Phong, thờ Phu Nhân Cố Hỷ rất thiêng”. Khảo sát tại Cà Ná, hiện nay còn đền thờ Cố Hỷ Phu Nhân trên núi đá, gọi là Dinh Cố, Cố Hỷ Mẫu Nương Nương, khôi phục đền năm 1989. Một chi tiết khác, sách này mô tả hình thế ghi: "Đường núi ngăn chặn có núi Ô Cam, đường biển hiểm yếu có vụng Mũi Diên". Tác giả Nguyễn Đình Tư khi viết về miếu Cố Hỷ Phu Nhân, ghi: "Tại chân núi Ô Cam ở cực Nam tỉnh, sát Quốc lộ số 1 và thiết lộ xuyên Việt, có một cái miếu cũng thuộc loại quốc tế gọi là miếu Cố Hỷ Phu Nhân"[20]. Núi Ô Cam lại còn có tên khác là núi Ô Rem, trước thời điểm viết bộ Đại Nam nhất thống chí, Lê Quang Định biên soạn sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí năm 1806, mô tả đường thiên lý Bắc Nam: “Trạm Thuận Lãng: Đặt lính thường trực ở trạm gồm 17 suất... 258 tầm 1 thước, đường này toàn bằng cát mỏng, hai bên đều là đất trống... 1.195 tầm, đường toàn bằng cát mỏng, hai bên là rừng cây tươi tốt, phía Đông có con đường nhỏ đi 580 tầm thì đến cửa biển Cà Ná, cửa rộng 18 tầm, khi nước dâng sâu 2 tầm, nước xuống thì sâu 1 tầm, phía bờ Bắc là thôn Lạc Nghiệp, dân cư rất trù mật, làm nghề chài lưới, ở trước mặt thôn này có đặt xích hậu để canh giữ. Đến Bãi Chùy, dài 150 tầm, phía Đông chạy dọc theo bãi biển, đường toàn bằng đá san hô nhỏ lẫn với cát thô, phía Tây là rừng cây tươi tốt, đến lũy Ô Rem, phía Đông là lũy biển, phía Nam gần một dãy núi, tục gọi là núi Ô Rem, phía bên phải là phủ do Kính Quận công sai lính đắp bằng đá để trấn giữ chỗ hiểm yếu để chống lại quân Tây Sơn trước đây, ngày nay lũy đã hư hỏng nhưng dấu tích hãy còn. 770 tầm, đây là giồng Ô Rem, phía Đông đường là bãi biển, phía Tây ven theo chân núi, hai bên đường cây cối xanh tươi và nhiều đá gập ghềnh”[21]. Như vậy ít nhất núi này có 2 tên Ô Cam và Ô Rem. Chúng tôi ngờ rằng khi dịch sách này, người dịch nhầm Ô Cam thành Ô Rem, nhưng khẳng định chắc chắn địa danh này xưa là núi ở eo biển Cà Ná.
- Núi Ông Kamao hay Kơi Kamau, Kay Kamao: Thuộc phía Tây xã Phước Hà.
- Núi Tam Sơn: Thuộc xã Phước Nam, tên 3 ngọn núi gần kề núi Chà Bang nên có tài liệu nhầm lẫn cũng gọi là núi Chà Bang.
- Núi Tà Lan: Thuộc các xã Nhị Hà, Phước Minh, cao 219m.
- Núi Tà Vân: Thuộc xã Phước Minh, nằm trong địa phận núi Gió.
- Núi Thái: Thuộc xã Phước Hà, cao 838m.
- Núi Thiên Thai: Thuộc xã Phước Hà.
- Núi Vung: Thuộc xã Nhị Hà.
- Núi Ya Bo: Thuộc xã Phước Hà, cao 1.031m.
- Truông Sải Tay: tên cũ thuộc xã Phước Minh, sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí ghi: "đến đường rừng Ma Vó. Rừng dài 1.360 tầm, hai bên là rừng tốt, tục gọi là truông Ma Vó, đến Láng (Ràn) Bò tức đầu đường truông Sải Tay. Hai bên đều là đất bằng và rừng rậm, ngày trước dân Thuận Thành nuôi bò ở đây, ban ngày đưa vào rừng đến chiều tối chăn về nhốt nên ở đây gọi là Láng (Ràn) Bò. Từ đây đến cuối đường Đá Bàn, đường đi đều bằng cát mỏng, gặp khi nắng to vào mùa xuân hè, người đi đường mệt khát muốn chết cho nên mới gọi là truông Sải Tay, người Thuận Thành khi sắp chết gọi là truông Mày (Mi) Tay, tục thường gọi là truông Móng Tay"[22].
[1] Đảng ủy – Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Thuận: (1997) Ninh Thuận 30 năm chiến tranh giải phóng, tập 1, NXB Quân đội Nhân dân.
[2] Thành ủy Phan Rang – Tháp Chàm: (2007) Lịch sử Đảng bộ thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (1930 – 2005).
[3] Thành ủy Phan Rang – Tháp Chàm: (2007) Lịch sử Đảng bộ thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (1930 – 2005).
[4] Lê Quang Định: (2005) Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, NXB Thuận Hóa – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.
[5] Đại Nam nhất thống chí, tập 3, (2006) sđd.
[6] Nguyễn Đình Tư: (2003) sđd.
[7] Đại Nam nhất thống chí, tập 3, (2006) sđd.
[8] Lê Quang Định: (2005), sđd.
[9] Nguyễn Đình Tư: (2003) Non nước Ninh Thuận, NXB Thanh Niên tái bản.
[10] Đại Nam nhất thống chí, tập 3, (2006) sđd.
[11] Nguyễn Đình Tư: (2003) sđd).
[12] Lê Quang Định: (2005) sđd.
[13] Trường Chính trị tỉnh Ninh Thuận: (2005) Trường Chính trị tỉnh Ninh Thuận những chặng đường lịch sử (1965 – 2002), trang 25.
[14] Trường Chính trị tỉnh Ninh Thuận: (2005) sđd.
[15] Lê Quang Định: (2005) sđd.
[16] Đại Nam nhất thống chí: tập 3 (2006) sđd.
[17] Đại Nam nhất thống chí, tập 3, (2006) sđd.
[18] Đại Nam nhất thống chí, tập 3, (2006) sđd.
[19] Đại Nam nhất thống chí, tập 3, (2006) sđd.
[20] Nguyễn Đình Tư: (2003), sđd, trang 157.
[21] Lê Quang Định: (2005) sđd.
[22] Lê Quang Định: (2005) sđd.