Chương này trình bày phần sông, suối, ao, hồ, kênh, mương... chủ yếu và nổi bật trong tỉnh ghi từ thực tế, từ các sách, báo, bản đồ tự nhiên, hành chính, từ các tài liệu quy hoạch của các ngành, trong thư tịch cổ. Chúng tôi sắp xếp theo vần A, B, C theo phạm vi địa giới hành chính thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và 6 huyện để thuận tiện cho người đọc trong tra cứu.
1. Sông, suối, ao, hồ, kênh... thuộc Phan Rang – Tháp Chàm.
- Lâm Cấm (đập, kênh): Đập ngăn nước đắp ngang sông Dinh từ phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm qua thôn Ninh Quý 3, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước. Tên Lâm Cấm bắt nguồn từ Rừng Cấm (dạng âm vừa Hán vừa Việt theo bất quy tắc dân gian). Theo dòng lịch sử: từ cuối thế kỷ XIX, người Pháp đắp đập này và đào kênh dẫn nước, "Nguyên Cố đạo Villaume lập nhà thờ Tấn Tài năm 1882, mở đồn điền trồng lúa 1.000ha, bắt phu đắp đập Lâm Cấm, đào mương kênh lấy nước đưa về đồng ruộng"[1].
- Hồ Điều Hòa: Thuộc địa bàn phường Mỹ Bình, hồ nước tiếp giáp đường 16 tháng 4. Hồ có chức năng điều hòa khí hậu thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Năm 2014, chung quanh hồ là địa điểm chính diễn ra Lễ hội Nho và Vang quốc tế.
- Hồ 16 tháng 4: Thuộc địa bàn phường Thanh Sơn, hồ nước tiếp giáp các đường 16 tháng 4, Ngô Gia Tự, Trần Quang Diệu, có chức năng điều hòa khí hậu và tạo cảnh quan đẹp trung tâm thành phố.
- Hồ Tấn Tài: Thuộc địa bàn phường Tấn Tài, hồ nước tiếp giáp đường Lê Lợi, Ngô Gia Tự, có chức năng điều hòa khí hậu và tạo cảnh quan đẹp.
- Kênh Bắc: Kênh Bắc là tên gọi ra đời thời Pháp thống trị, dẫn nước từ đập Nha Trinh, giáp xã Mỹ Sơn, Nhơn Sơn thuộc huyện Ninh Sơn chảy qua địa bàn phường Đô Vinh, xã Thành Hải thuộc thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, các xã Xuân Hải, Bắc Phong, Bắc Sơn đến thôn Phương Cựu, xã Phương Hải thuộc huyện Ninh Hải, Thuận Bắc, dài 35.912m. Theo dòng lịch sử: "Năm 1897, Bá tước De Pérignon, người Pháp, mở đồn điền 4.000ha từ đèo Cậu qua Đắc Nhơn cho đến Mỹ Nhơn, nâng cấp, xây dựng đập Nha Trinh, bắt dân phu đào kênh ra phía Bắc. Đập Nha Trinh trước do dân đắp bằng đá và chà bổi, lấy nước đưa về phía Nam, De Pérignon cho đào kênh, xây bê tông đưa nước ra phía Bắc, dân gian gọi là mương Ông Giàu. Sau đó De Pérignon bán lại cho người Pháp tên là Duval, Duval mở rộng diện tích ra thành 5.000ha bằng cách cướp đoạt ruộng đất của nhân dân; làng Đô Vinh nguyên cũng là đất của Duval cướp đoạt, (tên Đô Vinh là Việt hóa của tên Duval)"[2].
- Kênh G2: Dẫn nước từ thôn Lương Cang, xã Nhơn Sơn thuộc huyện Ninh Sơn đến các phường Đô Vinh, Bảo An thuộc Phan Rang – Tháp Chàm, dài 2.435m.
- Kênh Tân Hội: Dẫn nước từ phường Bảo An, xã Thành Hải thuộc Phan Rang - Tháp Chàm đến khu phố Dư Khánh, thị trấn Khánh Hải thuộc huyện Ninh Hải, dài 7.376m.
- Mương Cát: Dẫn nước qua các phường từ Thanh Sơn đến Đài Sơn.
- Mương Chai: Thuộc địa bàn phường Bảo An. Mương Chai trùng tên gọi xưa vùng làng Chăm Phú Nhuận thuộc huyện Ninh Phước.
- Mương/Kênh Chà Là: Dẫn nước qua các phường từ Đài Sơn, Tấn Tài, Mỹ Hải, đến Mỹ Bình.
- Mương Don: Thuộc địa bàn phường Phước Mỹ.
- Mương Ngòi: Dẫn nước qua các phường từ Đô Vinh, xã Thành Hải, đến phường Văn Hải.
- Mương Ông Cố: Dẫn nước các phường từ Bảo An, Phước Mỹ, Phủ Hà, Mỹ Hương, Tấn Tài, Mỹ Đông, Mỹ Hải đến Đông Hải thuộc Phan Rang - Tháp Chàm, dài 6.550m. Kênh còn có tên mương Nhà Chung.
- Mương Tà Liêm: Dẫn nước qua các phường từ Đô Vinh, Bảo An, Phước Mỹ, Thành Hải, đến Văn Hải.
- Sông Cái (Sông Dinh): Bắt nguồn từ sông Tô Hạp huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa chảy vào xã Phước Bình tiếp nhận các phụ lưu là sông Trương, sông Ma Lâm trong huyện Bác Ái, sông Pha (Krông Pha, sông Ông), sông Cho Mo, sông Chá trong huyện Ninh Sơn, chảy vào đồng bằng Phan Rang tiếp nhận thêm phụ lưu là sông Quao, sông Lu, cuối sông ra đến Biển Đông. Tổng chiều dài sông 119km, lưu vực 3.000km2, chiều rộng trung bình lưu vực sông 31,6m, độ sâu nước vào mùa khô từ 1,6m đến 2m, mùa mưa từ 3m đến 5m. Sông có nhiều tên gọi khác nhau qua mỗi địa phương: gọi là sông Cái từ huyện Bác Ái, chảy qua xã Lương Sơn, thị trấn Tân Sơn, các xã Quảng Sơn, Mỹ Sơn, Nhơn Sơn huyện Ninh Sơn; gọi là sông Dinh từ Nha Hố, xã Nhơn Sơn cho đến địa phận Phan Rang – Tháp Chàm và huyện Ninh Phước, cuối sông là cửa biển phường Đông Hải. Theo mỗi thời kỳ lịch sử, sông Cái có tên gọi khác nhau. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: "Sông Phan Rang, ngày xưa tên là sông Mai Lang, Mai Nương, sông Mai Lung ở Đắc Nhơn, sông Man Rang nguồn ra tự 2 núi Tham Lý và Tà Trú, chảy qua thôn Thịnh Mỹ, chảy về phía Nam 14 dặm đến xã Đắc Nhơn gọi là sông Mai Lung, lại 19 dặm đến thôn Phước Khánh. Có sông Ma Nãi (...), từ trong sách Man ra, chảy về phía Bắc làm sông Cai Gia, chuyển về phía Đông làm sông Tà Thang, lại chảy về phía Nam làm sông Tà Na Sũng, chảy qua cầu thôn Tăng Lộc, gồm 32 dặm đến hợp vào, lại chảy 10 dặm đến rừng thôn An Hòa. Có sông Ma Bố từ thôn Đại Định chảy về phía Đông Bắc 37 dặm đến hợp vào lại chảy về phía Nam 3 dặm mà đổ ra của biển Phan Rang"[3]. Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí biên soạn từ thời vua Gia Long ghi: "Sông lớn, sông rộng 75 tầm, nước sông trong và ngọt, mùa xuân hè có thể lội qua, thu đông vì mưa lụt nên chỉ có thuyền mới qua được. Đi lên 2.750 tầm đến đập Nha Trinh, 73.279 tầm đến đầu nguồn hai núi Tà Trú và Sâm Rí, đi xuống 7.640 tầm đổ ra cửa biển Phan Rang, sông này chảy đến chợ Lầu Điếm ở thôn An Hòa thì dừng"[4].
Có thơ rằng:
- Sông Dinh có tự bao giờ
Để xóm làng ta bây giờ đông đúc thế
Những Phú Thọ, Đông Ba, những xóm Cồn, xóm Láng
Những Phước Thiện, Phước An, Đồng Mé, Nhơn Sơn
Đường rộng thênh thang, những dãy nhà cao vợi
Cầu Đạo Long nối khát vọng đôi bờ
(Hữu Lợi: Ơi con sông Dinh)
- Sông Dinh ơi mùa xuân nữa lại về
Mai vàng nở giữa đôi bờ thương nhớ
(Ánh Hồng: Xuân gọi)
2. Sông, suối, ao, hồ, kênh, mương... thuộc huyện Bác Ái.
- Đập A Nhăng: Đập nước ở xã Phước Bình.
- Đập Cây Sung: Đập nước ở xã Phước Trung.
- Đập Gia Nheo: Đập nước thủy lợi ở xã Phước Bình.
- Đập Hóc Ron: Đập nước ở xã Phước Trung.
- Đập Ô Cam: Đập nước ở xã Phước Trung. Tương truyền Po Klaong Kachét người Chăm đã tổ chức đắp đập Ô Cam và hướng dẫn dân đào mương dẫn nước từ vùng cao Phước Trung về tưới cho đồng ruộng Chà Vum. Hệ thống mương nước này đã giúp người dân địa phương phát triển trồng trọt. Khi Po Klaong Kachét qua đời, tưởng nhớ công ơn ông, người dân Chăm thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn lập đền thờ phụng. Năm Tự Đức thứ 31 (1881) vua sắc phong ghi nhận công lao của Po Klaong Kachét.
- Hồ Đa May: Thuộc địa bàn xã Phước Bình, đây là hồ sinh thái.
- Hồ Ô Cam: Thuộc địa bàn xã Phước Trung, dung tích 0,31 triệu m3.
- Hồ Phước Trung: Thuộc địa bàn xã Phước Trung, dung tích 0,19 triệu m3.
- Hồ Sông Sắt: Thuộc địa bàn xã Phước Đại cách huyện lỵ Bác Ái 2km. Hồ được xây dựng hoàn tất năm 2007, là công trình thủy lợi quan trọng của huyện Bác Ái; có dung tích 69,33 triệu m3, có đập đất cao 34m nhằm điều tiết đưa nước vào hơn 3.800ha đất sản xuất ở vùng hạ lưu và nước sinh hoạt trong huyện. Hệ thống kênh từ hồ Sông Sắt dài 12.656m chảy qua địa bàn các xã Phước Đại, Phước Chính. Với cảnh quan thiên nhiên đồi núi bao quanh lòng hồ nước mênh mông tạo nên cảnh sắc hùng vĩ, hồ Sông Sắt trở thành điểm tham quan du lịch của huyện Bác Ái.
Có thơ rằng:
- Đêm Bác Ái thao thức cùng đồng đội
Nghe tiếng chim gù tìm bạn kết đôi
Dưới trời sao, núi Tà Nang sừng sững
Dang rộng tay, phanh ngực dáng kiêu hùng
Bẫy đá năm xưa trở thành huyền thoại
Khắc khoải Chapơr nỗi nhớ tháng ngày
Nắm tay em cùng ngắm hồ Sông Sắt
Vui đón xuân về hạnh phúc tràn đầy.
(Trần Tuấn Hùng: Đêm Bác Ái)
- Hồ Thành Sơn: Thuộc địa bàn xã Phước Trung, có dung tích 1,2 triệu m3, trước đây thuộc Nông trường Bông Thành Sơn nên có tên như thế.
- Hồ Trà Co: Thuộc địa bàn xã Phước Tân, dung tích 0,94 triệu m3.
- Sông Cái: (Xem mục sông Cái (sông Dinh) thuộc thành phố Phan Rang – Tháp Chàm).
- Sông Cạn: Thuộc địa bàn xã Phước Thành, chảy về Khánh Hòa.
- Sông Cho Mo: Thuộc địa bàn các xã Phước Chính, Phước Trung, Mỹ Sơn.
- Sông Da Bil: Thuộc địa bàn xã Phước Hòa.
- Sông Hàm Leo: Thuộc địa bàn xã Phước Bình.
- Sông Ma Lâm: Thuộc địa bàn các xã Phước Tân, Phước Tiến.
- Sông Ô Cam: Thuộc địa bàn xã Phước Trung.
- Sông Sắt: Sông chảy qua địa phận xã Phước Đại, Phước Thắng. Phát nguồn từ núi Hà La, cuối sông ra đến địa phận Ninh Sơn, tổng chiều dài 32km, chiều rộng trung bình lưu vực sông 16m, độ sâu nước vào mùa khô từ 1m đến 1,5m, mùa mưa từ 2m đến 4m.
- Sông Tô Hạp: Thuộc địa bàn xã Phước Bình.
- Sông Trà Co: Thuộc địa bàn các xã Phước Tiến, Phước Thắng.
- Sông Trâu: Thuộc địa bàn xã Phước Thành chảy qua xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc nhập vào hồ Sông Trâu.
- Sông Trương: Thuộc địa bàn xã Phước Bình.
- Suối A Giao: Thuộc địa bàn xã Phước Đại.
- Suối Chà Panh: Thuộc địa bàn xã Phước Hòa.
- Suối Da Katroum: Thuộc địa bàn xã Phước Hòa.
- Suối Dia Bil: Thuộc địa bàn xã Phước Hòa.
- Suối Dia Gor: Thuộc địa bàn xã Phước Hòa.
- Suối Dia Gou (Gia Gỗ): Thuộc địa bàn xã Phước Hòa.
- Suối Dia Toor: Thuộc địa bàn xã Phước Hòa.
- Suối Đa Côl: Thuộc địa bàn xã Phước Bình.
- Suối Đa Mây: Thuộc địa bàn xã Phước Bình.
- Suối Gia Be: Thuộc địa bàn xã Phước Bình.
- Suối Gia Nan: Thuộc địa bàn xã Phước Bình.
- Suối Gió: Thuộc địa bàn xã Phước Chính.
- Suối Lá Nhỏ: Thuộc địa bàn xã Phước Đại.
- Suối Lạnh: Thuộc địa bàn xã Phước Thành.
- Suối Lô Cô: Thuộc địa bàn xã Phước Tiến, người dân địa phương gọi là Croh Lako.
- Suối Lô Pa: Thuộc địa bàn xã Phước Trung, là mạch nước chính chảy vào hồ Ô Cam.
- Suối Lưới Mẫu: Thuộc địa bàn xã Phước Tân.
- Suối Ma Ty: Thuộc địa bàn xã Phước Thành.
- Suối Ngang: Thuộc địa bàn xã Phước Trung.
- Suối Ngồi: Thuộc địa bàn xã Phước Đại.
- Suối Ya Nhông (còn gọi Suối Ông): Thuộc địa bàn xã Phước Bình.
- Suối Ra: Thuộc địa bàn xã Phước Trung.
- Suối Rua: Thuộc địa bàn các xã Phước Thành, xã Phước Tiến.
- Suối Sung: Thuộc địa bàn xã Phước Thắng.
- Suối Ta Pla: Thuộc địa bàn xã Phước Thành.
- Thác Chapơr: Thuộc địa bàn thôn Ma Lâm, xã Phước Tân, từ Quốc lộ 27B đi vào khoảng 14km. Đây là một quần thể gồm 3 ngọn thác giữa khu rừng nguyên sinh. Thác Chapơr 1 cao 15m, chiều ngang từ 10m – 15m; thác Chapơr 2 cao từ 20m – 30m, ngang từ 15m – 25m và thác Chapơr 3 có độ cao vào mùa mưa từ 50m – 60m, ngang từ 30m – 40m. Cảnh vật thật nên thơ hữu tình nên Chapơr là địa điểm xây dựng khu du lịch sinh thái.
Có thơ rằng:
Mả la thức dậy núi đồi
Hồn ta ngơ ngẩn nét cười Ma Lâm
Chapơr ơi, đẹp lặng thầm
Tình em sơn nữ ngàn năm thương hoài
Dẫu đi cuối đất cùng trời
Thơ tình gởi lại núi đồi Chapơr.
(Thái Sơn Ngọc: Thơ tình gởi lại Chapơr)
- Vũng Bà Thầy: Thuộc địa bàn xã Phước Đại. "Tên vũng Bà Thầy dựa theo truyền thuyết kể: vào năm trời hạn hán, cây cối, muôn thú và mọi người héo hon, cháy khát, có bà thầy cúng dẫn người cháu đi tìm nước cho dân làng. Đi mãi rồi cũng đến một hố sâu thẳm, bà lần xuống cái vũng móc đất tìm nước, không ngờ đó là lỗ tai con cá chình Thần. Nó thức dậy quẫy đạp, cùng lúc đó trời mưa xối xả, người cháu gọi bà lên nhưng chưa kịp thì nước ập xuống và nhấn chìm bà trong dòng lũ. Sau cơn mưa lũ đó, trời thương người Ra glai hơn, làm mưa thuận gió hòa. Nhớ ơn bà, dân làng đặt tên cho cái vũng lỗ tai cá chình kia là vũng Bà Thầy hay thác Bà Thầy. Vũng này nhận nguồn nước từ suối Lạnh là mạch nguồn chính để sau này xây dựng hồ Sông Sắt"[5].
4.3. Sông, suối, ao, hồ, kênh, mương... thuộc huyện Ninh Hải.
- Ao Hòn Vung/Dung:
Thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải, tiếp nước suối từ núi thành ao, khi nước tràn tạo suối chảy qua Mỹ Hòa đổ ra biển.
- Hồ Đồng Nha: Thuộc địa bàn xã Phương Hải, dung tích 0,38 triệu m3.
- Hồ Ông Kinh: Thuộc địa bàn xã Nhơn Hải, dung tích 0,83 triệu m3 có hệ thống kênh dài 6.870m chảy qua địa bàn các xã Nhơn Hải, Thanh Hải.
- Hồ Phước Nhơn: Thuộc địa bàn xã Xuân Hải, dung tích 0,26 triệu m3.
- Hồ Treo: Thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải, trong khu bảo tồn thiên nhiên Núi Chúa. Đây là hồ treo tự nhiên, có đường kính 70m – 80m, quanh năm có nước trong xanh và nhiều động vật, thực vật sinh sống. Ven hồ có nhiều vĩa đá nhấp nhô như hòn non bộ do thiên nhiên tạo thành.
- Kênh Bắc: (Xem mục Kênh Bắc phần thành phố Phan Rang – Tháp Chàm).
- Kênh Tân Hội: Dẫn nước từ xã Thành Hải, Văn Hải, Phan Rang – Tháp Chàm đến thị trấn Khánh Hải.
- Sông Tri Thủy: Thuộc địa bàn thị trấn Khánh Hải và xã Tri Hải. Ngày xưa còn gọi sông Nại, sông Ma Văn, dài 2km, sông chính thông từ Đầm Nại ra Biển Đông. Tri Thủy có âm gốc Hán Việt là Chuy Thủy, là sông Chuy, một con sông ở Trung Quốc[6].
- Suối Am: Thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải. Theo dòng lịch sử: Vào năm 1960, đây là địa điểm thành lập đội vũ trang vùng 1 do đồng chí Lê Thắng chỉ huy, đồng chí Nguyễn Thế Liêm làm chính trị viên.
- Suối Dạ Cồm: Thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải. Theo dòng lịch sử: Những năm 1950, tỉnh thành lập các Khu Dân sinh (tương đương cấp xã), đây là Khu Dân sinh I gồm: 6 vùng: vùng 4 là Dạ Cồm. Ngày nay là điểm nghỉ trưa của tour du lịch Phan Rang - Vĩnh Hy.
- Suối Đồng Nha: Thuộc địa bàn xã Phương Hải, bắt nguồn từ Nam Núi Chúa chảy qua địa bàn các xã Bắc Sơn, Phương Hải, Tri Hải và Nhơn Hải, chiều dài 11km, diện tích lưu vực 37 km2.
- Suối Hố Bỉnh: Thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải.
- Suối Hố Quạt: Thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải.
- Suối Lồ Ồ: Thuộc thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải đổ ra vịnh Vĩnh Hy. Suối Lồ Ồ có cảnh quan đẹp với thác nước đổ trên cao xuống, có những phiến đá to bằng phẳng. Nơi đây là điểm du lịch dã ngoại, dừng chân nghỉ ngơi, cắm trại, sinh hoạt ngoài trời.
- Suối Ông Luận: Thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải.
- Suối Ngang: Thuộc địa bàn các xã Xuân Hải, Hộ Hải, Tân Hải.
- Suối Nước Đổ: Thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải, chảy ra Bãi Rạng, Bãi Nước Đổ.
- Suối Nước Ngọt 2: Thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải, nước đổ ra bãi Chà Là.
- Suối Nước Ngọt 3:
Thuộc địa bàn Thái An, xã Vĩnh Hải, bắt nguồn từ núi Ông, núi Chúa Anh, diện tích lưu vực 33,7ha.
- Suối Sâu: Thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải.
4. Sông, suối, ao, hồ, mương... thuộc huyện Ninh Phước.
- Bàu Ấu: Bàu nước ngọt trong xã Phước Hải, nay không còn.
- Bàu Muối: Thuộc địa bàn xã Phước Hải.
- Bàu Son: Nay thuộc khu vực Bình Quý, thị trấn Phước Dân, phía Bắc giáp sông Quao, bên kia sông là ấp Càn Khôn thuộc xã Phước Thuận. Sự kiện lịch sử: địa điểm các đồng chí Trần Quỳnh, Nguyễn Thế Lâm hội họp và cơ quan Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh đóng vào năm 1946.
- Bàu Trúc: Thuộc địa bàn thị trấn Phước Dân, bàu nước ở làng gốm Bàu Trúc.
- Đập Lâm Cấm: (Xem mục Đập Lâm Cấm, Phan Rang – Tháp Chàm).
- Đập Nha Trinh: Đập ngăn nước đắp ngang sông Dinh từ địa bàn xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước qua điểm giáp xã Mỹ Sơn, Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn. Đập Nha Trinh là công trình thủy lợi quan trọng, vừa là khu du lịch sinh thái độc đáo với nhiều cảnh đẹp, hấp dẫn du khách. Tương truyền đập được xây dựng từ thời Po Klaong Girai thế kỷ XII, trải qua nhiều lần tu bổ, nâng cấp, đến nay phát huy tốt vai trò dẫn thủy nhập điền. Xưa tên là đập Mai Nương: "Đập Mai Nương ở xã Đắc Nhân huyện Yên Phước do dân Kinh và dân Thổ đắp để tưới ruộng"[7]. Thời Pháp mở thêm Kênh Bắc.
- Hồ Bàu Zôn: Thuộc địa bàn xã Phước Hữu, bàu nước ngọt trong xã, vị trí ở tả sông Lu, dung tích 0,16 triệu m3.
- Hồ Lanh Ra: Thuộc địa bàn xã Phước Vinh, dung tích 0,9 triệu m3.
- Hồ Tà Ranh: Thuộc địa bàn ở xã Phước Thái, dung tích 0,13 triệu m3.
- Kênh Cà Tiêu: Dẫn nước từ hồ Tân Giang, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam đến xã Phước Hữu, dài 7.760m.
- Kênh Chà Vin - Kía: Dẫn nước từ hồ Tân Giang các xã Phước Hà, Nhị Hà, huyện Thuận Nam đến xã Phước Hữu, dài 8.384m.
- Kênh Chàm: Dẫn nước từ Phước An, xã Phước Vinh qua địa bàn các xã Phước Sơn, Phước Thái, Phước Hữu, dài 13.884m.
- Kênh L1: Thuộc địa bàn xã Phước Sơn, dài 6.153m.
- Kênh L2: Dẫn nước từ xã Phước Sơn đến xã Phước Thuận, dài 314m.
- Kênh L3: Dẫn nước từ xã Phước Thái đến xã Phước Hậu, dài 8.462m.
- Kênh L4: Thuộc địa bàn Phước Thái, dài 2.658m.
- Kênh Ma Rên: Dẫn nước từ hồ Tân Giang, xã Phước Hà đến xã Phước Nam huyện Thuận Nam chảy qua địa bàn xã Phước Hữu, xã Nhị Hà, xã Phước Nam, dài 13.865m.
- Kênh Nam: Dẫn nước từ đập Nha Trinh xã Phước Vinh chảy qua các xã Phước Sơn, Phước Thái, Phước Hữu, Phước Dân đến xã An Hải. Kênh còn gọi là mương Nhật, do người Nhật nâng cấp năm 1964. Sau năm 1975, chính quyền tổ chức đào nối thêm mương mới từ Phú Quý đến Từ Tâm trong chương trình phát triển thủy lợi. Kênh dài 28.925m.
- Mương Bầu: Thuộc địa bàn xã Phước Thuận.
- Mương Cái: Thuộc địa bàn thị trấn Phước Dân.
- Mương Hóc Rọ: Thuộc địa bàn xã Phước Hải.
- Mương Lồi: Thuộc địa bàn xã Phước Hải.
- Sông Cây Dừng: Thuộc địa bàn xã Phước Hải, còn gọi là sông Cà Lâm.
- Sông Cái: (Xem mục sông Cái (sông Dinh) thành phố Phan Rang – Tháp Chàm).
- Sông Lu: Sông phát nguồn từ suối Là Hà và suối Biêu, 2 suối này nhập thành một tại Nô Giá nên có tên sông Giá, đến đồng bằng mới có tên là sông Lu, người Chăm gọi là Kraong Biuh, (nghĩa là sông Lũy) nên gọi là Sông Biêu. Sông chảy qua địa bàn xã Phước Hữu, thị trấn Phước Dân, xã Phước Hải, cuối sông ra đến sông Dinh tại xã An Hải, chiều dài 45km. Sông có chiều rộng trung bình lưu vực 17m, độ sâu nước vào mùa khô dưới 1m, mùa mưa từ 2m đến 3m, là phụ lưu lớn của sông Dinh.
- Sông Nung Tá: còn gọi là Tà Cai Gia, Tà Cai, Trại Thịt, bản đồ mới ghi Nang Tá, khởi nguồn trên núi chảy qua các xã Phước Thái, Phước Vinh, Phước Sơn cuối sông nhập vào sông Quao. Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí ghi: "Sông Tà Cai Gia, sông rộng 12 tầm, nước sâu 1 thước, mùa xuân hè có thể lội qua, thu đông mưa lụt thì khó đi. Từ chỗ lội đi ngược lên thì sông này chảy vòng quanh giữa rừng vắng, đi xuống 9.988 tầm thì chảy ra Sông Tré"[8].
- Sông Quao: Sông phát nguồn từ sông Nung Tá và sông Tầm Ru chảy qua địa bàn các xã Phước Thái, Phước Hữu, Phước Hậu, Phước Thuận với tên gọi khác nhau như: sông Lanh Ra, sông Trí, sông Tré, qua khỏi đường sắt mới gọi là sông Quao, cuối sông đổ ra sông Dinh tại điểm giáp An Long, dài 47km, chiều rộng trung bình lưu vực sông 7m, độ sâu nước vào mùa khô dưới 1m, mùa mưa từ 1m đến 1,5m. Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí ghi: "Sông Tré, sông rộng 13 tầm, nước ngọt, sâu 1 thước, mùa xuân hè có thể lội qua, thu đông mưa lụt thì khó đi. Từ chỗ lội này đi ngược lên 465 tầm đến sông Tà Cai Gia (Tà Cai), đi xuống 2.115 tầm thì chảy vào sông Tà Câu, sông Na Lung"[9].
- Sông Tà Ranh: Thuộc địa bàn các xã Phước Thái, Phước Hữu.
- Sông Tầm Ru: Thuộc địa bàn xã Phước Vinh, khởi nguồn là suối Tầm Ru, cuối sông nhập vào sông Quao.
- Suối Lanh Ra: Thuộc địa bàn xã Phước Thái.
- Suối Liều: Thuộc địa bàn xã Phước Thái.
- Suối Ma Rên: Thuộc địa bàn xã Phước Hữu. Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí ghi: "Bốn mương Ma Rên, rộng 4 tầm, bốn mương này bắt đầu từ đập Ma Rên sông Biểu chảy xuống, mùa xuân hè thì khô, mùa thu đông thì nước đầy và chảy lan vào tất cả ruộng đồng, khách đi đường có thể lội qua"[10].
- Suối Nung Tá: Thuộc địa bàn xã Phước Thái, chảy vào sông Nung Tá.
- Suối Tà Lầy: Thuộc địa bàn xã Phước Hậu.
- Suối Tam Lang: Thuộc địa bàn xã Phước Hải.
- Suối Tần: Thuộc địa bàn xã Phước Vinh.
- Suối Ya Hac: Thuộc địa bàn xã Phước Thái, chảy vào sông Tầm Ru.
5. Sông, suối, ao, hồ, kênh, mương... thuộc huyện Ninh Sơn.
- Đập Cho Mo: Vị trí ở cuối sông Cho Mo thuộc thôn Tân Mỹ, xã Mỹ Sơn, khởi công xây dựng đập từ năm 1976, sau này làm thành hồ, dung tích 0,79 triệu m3.
- Đập Nha Trinh: Thuộc địa bàn giáp xã Mỹ Sơn, Nhơn Sơn và xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước. (Xem mục Đập Nha Trinh, huyện Ninh Phước).
- Đập Tân Mỹ: Thuộc địa bàn xã Mỹ Sơn, dung tích 0,51 triệu m3. Hiện nay chuẩn bị xây dựng hồ Tân Mỹ có quy mô chứa nước lớn.
- Hồ Sông Than: Thuộc địa bàn xã Hòa Sơn, đang quy hoạch xây dựng, dung tích dự kiến 0,33 triệu m3.
- Hồ Tà Lâm: Thuộc địa bàn xã Ma Nới, dung tích 0,87 triệu m3.
- Hồ Tà Nôi: Thuộc địa bàn xã Ma Nới, dung tích 0,11 triệu m3.
- Kênh Bà Triều: Kênh thuộc xã Nhơn Sơn.
- Kênh Bắc: (Xem mục Kênh Bắc, Phan Rang – Tháp Chàm).
- Kênh Đông: Kênh xuất phát từ đập Sông Pha, xã Lâm Sơn chảy qua địa bàn xã Lương Sơn đến thị trấn Tân Sơn, kênh chia 6 nhánh với tổng chiều dài 50.216m.
- Kênh G2: Kênh xuất phát từ thôn Lương Cang, xã Nhơn Sơn chảy qua địa bàn các phường Đô Vinh, Bảo An thuộc Phan Rang – Tháp Chàm, dài 2.435m.
- Kênh Tây: Kênh xuất phát từ đập Sông Pha, xã Lâm Sơn chảy qua địa bàn xã Lương Sơn, thị trấn Tân Sơn, các xã Quảng Sơn, Hòa Sơn, chiều dài 34.182m.
- Sông Cái (Sông Dinh): (Xem mục sông Cái (Dinh) thuộc thành phố Phan Rang – Tháp Chàm).
- Sông Chá: Từ điểm sông Dầu gặp sông Than tại xã Hòa Sơn gọi là sông Chá, cuối sông Chá ra đến sông Cái. Chiều rộng trung bình lưu vực sông 15m, độ sâu nước vào mùa khô dưới 1m, mùa mưa 3m.
- Sông Cho Mo: Phát nguồn từ đập Ô Cam, xã Phước Trung, huyện Bác Ái chảy qua địa bàn xã Mỹ Sơn.
- Sông Dầu: Sông phát nguồn từ các suối núi Hòn Bà, núi Nha Huệ chảy qua địa bàn nhiều xã, xuống gặp sông Than tại xã Hòa Sơn, chiều rộng trung bình lưu vực sông 3,5m, độ sâu nước vào mùa khô dưới 1m, mùa mưa từ 1m đến 1,5m.
- Sông Ma Nới: Thuộc địa bàn các xã Ma Nới, Hòa Sơn.
- Sông Nhập: Là đoạn nhập 2 nhánh sông Ông, sông Cái tại xã Quảng Sơn, nên gọi là sông Nhập.
- Sông Ông (còn gọi là Sông Pha, Krông Pha): Phát nguồn từ núi Yen Draph thuộc xã Lâm Sơn chảy qua địa bàn thị trấn Tân Sơn, xã Lương Sơn, cuối sông ra đến sông Cái, tổng chiều dài 28km, chiều rộng trung bình lưu vực sông 7,2m, độ sâu nước vào mùa khô từ 1,8m đến 3m, mùa mưa từ 2m đến 4m.
- Sông Pao: Thuộc địa bàn xã Ma Nới.
- Sông Than: Sông phát nguồn từ núi Ma Rông chảy qua địa bàn các xã Hòa Sơn, Mỹ Sơn, cuối sông ra đến sông Cái, tổng chiều dài 30km, chiều rộng trung bình lưu vực sông 3,6m, độ sâu nước vào mùa khô dưới 1m, mùa mưa từ 1m đến 1,5m.
- Suối A Toah: Thuộc địa bàn xã Ma Nới.
- Suối Cạn: Thuộc địa bàn thôn Phú Thạnh, xã Mỹ Sơn.
- Suối Cát: Thuộc địa bàn xã Hòa Sơn.
- Suối Cát: Thuộc địa bàn xã Lâm Sơn.
- Suối Cha Ra: Thuộc địa bàn xã Lâm Sơn.
- Suối Chà Panh: Thuộc địa bàn xã Lâm Sơn.
- Suối Chó Hang: Thuộc địa bàn xã Mỹ Sơn.
- Suối Da Bil: Thuộc địa bàn xã Lâm Sơn.
- Suối Da Chiêu: Thuộc địa bàn xã Lâm Sơn.
- Suối Dzôn: Thuộc địa bàn xã Hòa Sơn.
- Suối Đá Bàn: Thuộc địa bàn xã Mỹ Sơn.
- Suối Đá Nổ: Thuộc địa bàn xã Hòa Sơn.
- Suối Điệp: Thuộc địa bàn xã Mỹ Sơn.
- Suối Gò: Thuộc địa bàn xã Quảng Sơn.
- Suối K. Rơn: Thuộc địa bàn xã Ma Nới.
- Suối Ka Giai: Thuộc địa bàn xã Ma Nới.
- Suối Ka Mao: Thuộc địa bàn xã Ma Nới.
- Suối Ka Ta Nhai: Thuộc địa bàn xã Ma Nới.
- Suối M. Nhon: Thuộc địa bàn xã Ma Nới.
- Suối Mây: Thuộc địa bàn xã Quảng Sơn.
- Suối Me: Thuộc địa bàn xã Mỹ Sơn.
- Suối Môn: Thuộc địa bàn xã Quảng Sơn.
- Suối Nhi-ao: Thuộc địa bàn xã Ma Nới.
- Suối Nước Mặn: Thuộc địa bàn các xã Mỹ Sơn, Nhơn Sơn.
- Suối nước nóng Tân Sơn: Suối thuộc địa bàn thị trấn Tân Sơn, do người Pháp tên là Blonel phát hiện vào năm 1923; bắt nguồn từ suối nước nóng Dục Mỹ dưới chân núi Hòn Bà cách quốc lộ 27 gần 4km, nên còn có tên suối nước nóng Hòn Bà. Đây là suối nước nóng thiên nhiên quý hiếm, với nhiệt độ khoảng từ 350C - 400C, chứa khoáng chất có tác dụng chữa bệnh cho con người.
- Suối Quýt: Thuộc địa bàn xã Mỹ Sơn.
- Suối Sa: Thuộc địa bàn xã Nhơn Sơn.
- Suối Sa Ra: Thuộc địa bàn xã Mỹ Sơn.
- Suối Sa Ru: Thuộc địa bàn xã Hòa Sơn.
- Suối Sâu: Thuộc địa bàn xã Mỹ Sơn.
- Suối Sâu: Thuộc địa bàn xã Lương Sơn.
- Suối Tà Nôi: Thuộc địa bàn xã Ma Nới.
- Suối Tầm Ngân: Thuộc địa bàn xã Lâm Sơn.
- Suối Thị: Thuộc địa bàn xã Mỹ Sơn.
- Suối Thương: còn gọi là suối Ông Tiềm, thuộc địa bàn xã Quảng Sơn, suối có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, nhân dân địa phương và du khách thường tham quan, cắm trại vào dịp cuối tuần và các ngày lễ, tết.
- Suối Tra: Thuộc địa bàn xã Ma Nới.
- Thác Sa Kai: Thuộc địa bàn xã Lâm Sơn, bắt nguồn từ đèo Ngoạn Mục chảy xuống. Hạ lưu của thác có dòng chảy cuối cùng tiếp giáp với công trình Nhà máy thủy điện Đa Nhim. Thác Sa Kai có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ với những tảng đá lớn giữa rừng cây xanh, những dòng nước từ trên cao đổ xuống, tung bọt trắng xóa nhìn rất đẹp mắt nên nhân dân địa phương và du khách thường tham quan, cắm trại.
- Thác Tiên: Thác là một đoạn của sông Chá thuộc xã Hòa Sơn. Tại đây có cảnh đẹp nhiều bãi đá giữa dòng sông nên nhân dân địa phương và du khách thường đến cắm trại, chụp hình.
6. Sông, suối, ao, hồ, kênh... thuộc huyện Thuận Bắc.
- Bàu Mỹ: Thuộc địa bàn xã Bắc Phong, bàu nước do người Mỹ đào khi làm Quốc lộ 1A ngang Ba Tháp nên có tên gọi như thế, nay thành hồ lớn.
- Đập Giỏ Tá: Thuộc địa bàn xã Công Hải.
- Hồ Ba Chi: Thuộc địa bàn xã Phước Chiến, dung tích 0,41 triệu m3.
- Hồ Bà Râu: Thuộc địa bàn xã Lợi Hải, dung tích 4,6 triệu m3, cung cấp nước cho 500ha đất sản xuất nông nghiệp.
- Hồ Cây Sung: Thuộc địa bàn xã Bắc Sơn.
- Hồ Kiền Kiền: Thuộc địa bàn xã Lợi Hải, dung tích 0,2 triệu m3.
- Hồ Ma Trai: Thuộc địa bàn xã Phước Chiến, dung tích 0,48 triệu m3.
- Hồ Sông Trâu: Thuộc địa bàn xã Phước Chiến, khởi công xây dựng năm 2003, hoàn thành 2005, diện tích mặt nước 66km2, dung tích 31,53 triệu m3, cung cấp nước cho 3.000ha đất sản xuất nông nghiệp tại hạ lưu, chủ yếu vùng Bắc huyện Thuận Bắc. Hệ thống kênh từ hồ Sông Trâu chảy qua địa bàn các xã Phước Chiến, Công Hải, Lợi Hải đến thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn có 15 nhánh, tổng chiều dài 39.632m. Nước hồ bắt nguồn từ suối Sừng Trâu (địa phận thôn Đầu Suối, Tập Lá, xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc và xã Phước Thành, huyện Bác Ái) chảy vào. Hồ được bao quanh bởi rừng núi chập chùng, nối tiếp nhau tạo nhiều cảnh đẹp nên hiện nay đã trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn thu hút du khách gần xa.
- Kênh Bắc: (Xem mục Kênh Bắc, Phan Rang – Tháp Chàm).
- Kênh Chính: Thuộc địa bàn xã Lợi Hải.
- Sông Bà Râu: Sông phát nguồn từ núi Đá Mài, Núi Xanh chảy qua địa bàn các xã Phước Kháng, Lợi Hải, cuối sông ra đến vịnh Cam Ranh, tổng chiều dài 26km, chiều rộng trung bình lưu vực sông 5,6m, độ sâu nước vào mùa khô dưới 1m, mùa mưa từ 1,2m đến 2m.
- Sông Cây Trâm: Thuộc địa bàn xã Bắc Sơn.
- Sông Dầu: có tên xưa là suối Du Lai (cây dầu rái), thuộc địa bàn xã Công Hải, sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí ghi: "Đến suối Du Lai, suối rộng 8 tầm, nước suối trong và ngọt, sâu 1 thước, mùa thu đông do mưa lụt nên nước sâu hơn, đi lên 1.500 tầm thì đến suối Kiền Kiền, đi xuống 2.850 tầm thì đến làng Đăng Đàm. Ở thượng lưu suối này có giống mã tiền lâu năm, lá nó rụng xuống suối, người ở vùng này uống nước suối ấy lâu ngày phần lớn bị bệnh trương bụng vàng da, tục gọi là suối Cà Âm"[11].
- Sông Trâu: Thuộc địa bàn các xã Phước Chiến, Công Hải. Có truyền thuyết về Dũng sĩ Tam Rắc đánh với trâu thần của mình, do bị quỷ dữ mê hoặc nên trâu thần phản bội dân làng. Sau nhiều lần đánh nhau dữ dội, Tam Rắc phóng lao vào cổ họng trâu thần, máu tuôn ra như suối chảy về hướng Đông, từ đó hình thành sông Trâu chảy từ Bác Ái chảy về vịnh Cam Ranh[12].
- Suối Aia Rak: Chảy qua thung lũng thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn.
- Suối Ba Hồ: Thuộc địa bàn các xã Phước Kháng, Phước Chiến.
- Suối Chinh: Thuộc địa bàn xã Bắc Phong.
- Suối Đá: Thuộc địa bàn xã Lợi Hải. Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí ghi: "Suối Đá, suối rộng 6 tầm, suối này nước ngọt và trong, mùa xuân hè thì nước cạn, thu đông do mưa lụt nên sâu, tục gọi là Suối Đá"[13].
- Suối Đồng Nha: (Xem mục Suối Đồng Nha, huyện Ninh Hải).
- Suối Kẹp: Thuộc địa bàn xã Công Hải.
- Suối Kiền Kiền: Suối bắt nguồn từ Núi Chúa chảy về hướng Tây qua địa bàn các xã Lợi Hải, Bắc Sơn. Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí ghi: "Suối rộng 15 tầm, hai bên đường là chân núi, tục gọi là suối Kiền Kiền, nước trong và ngọt, sâu 1 thước, mùa thu đông do mưa lụt nên nước sâu hơn. Đi lên 3.450 tầm đến đầu nguồn Chất Sơn, đi xuống 1.500 tầm đến suối Du Lai (Dầu Rái) rồi chảy ra làng Đăng Đàm"[14]. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: "Khe Kiền Kiền: ở huyện Yên Phước, nguồn ra từ núi Ba Tiêu, chảy về phía Đông 5 dặm làm suối Du Lai đổ vào đầm làng Đăng"[15].
- Suối Lạnh: còn gọi là suối Sừng Trâu, người Ra glai gọi là Croh Tuki Kuvao, thuộc địa bàn thôn Đầu Suối, xã Phước Chiến. Nước từ suối là nguồn chính đổ vào hồ Sông Trâu cung cấp nước cho hàng ngàn hecta đất canh tác phía hạ nguồn. Cảnh quan rừng núi quanh suối nguyên sơ, quanh năm rợp bóng cây xanh, nước trong vắt len lỏi chảy qua những ghềnh đá tạo thành âm thanh róc rách nên ở đây đang trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn thu hút du khách gần xa.
- Suối Le: Thuộc địa bàn xã Phước Kháng, giáp xã Phước Trung, huyện Bác Ái.
- Suối Nước Ngọt 1: Suối thuộc địa bàn xã Công Hải, bắt nguồn từ phía Bắc dãy Núi Chúa chảy về hướng Đông ra biển Bình Tiên ở Bãi Cấp, diện tích lưu vực 19,5km2.
- Suối Quẹo: Thuộc địa bàn xã Phước Kháng.
- Suối Tiên: Thuộc địa bàn thôn Suối Giếng, xã Công Hải. Suối Tiên được tạo nên bởi một quần thể thiên nhiên hài hòa, nơi đây núi rừng trùng điệp, nhiều lan rừng sặc sỡ, là điểm du lịch hấp dẫn.
- Suối Vang: Thuộc địa bàn xã Công Hải.
7. Sông, suối, ao, hồ, kênh.. thuộc huyện Thuận Nam.
- Bàu Ca Way: Thuộc địa bàn thôn Văn Lâm 1, xã Phước Nam.
- Đầm Sơn Hải: Thuộc địa bàn xã Phước Dinh.
- Đập Cà Tiêu: Thuộc địa bàn xã Phước Hà, năm 1989 sửa chữa, nâng cấp hệ thống đập Cà Tiêu, chủ động tưới tiêu 89ha diện tích ruộng lúa.
- Đập Chà Vin: Thuộc địa bàn xã Nhị Hà.
- Đập Kía: Thuộc địa bàn xã Nhị Hà.
- Giếng Bộng: Vị trí trên núi Chà Bang, giữa các xã Phước Nam và Phước Dinh, di tích kháng chiến thuộc CK 35.
- Giếng Trầy: Vị trí trên núi Ma Vích, xã Phước Dinh.
- Hồ Ba Bể: Thuộc địa bàn thôn Thương Diêm 1, xã Phước Diêm, là di tích kháng chiến thuộc CK 35.
- Hồ Bàu Ngứ: Thuộc địa bàn các xã Phước Dinh, Phước Nam, Phước Hải, dung tích 1,6 triệu m3.
- Hồ Chà Vin: Thuộc địa bàn thôn Vụ Bổn, xã Phước Ninh.
- Hồ CK7: Thuộc địa bàn xã Nhị Hà, còn gọi là hồ Đá Mán, dung tích 1,4 triệu m3. Hồ CK7 là công trình thủy lợi có nhiệm vụ cung cấp nước phục vụ nông nghiệp cho 2 huyện Thuận Nam và Ninh Phước. Theo dòng lịch sử: tên gọi CK7 còn gọi là Chiến khu bảy, “xê ka sép” (do chữ Pháp CK7, sept là số 7) ra đời năm 1946, là nơi các cơ quan của tỉnh đóng trong 2 cuộc kháng chiến (xem thêm mục CK7).
- Hồ Hai: Thuộc địa bàn thôn Thương Diêm 1, xã Phước Diêm, là di tích căn cứ kháng chiến.
- Hồ Một: Thuộc địa bàn thôn Thương Diêm 1, xã Phước Diêm, là di tích căn cứ kháng chiến.
- Hồ Núi Một: Thuộc địa bàn xã Phước Dinh.
- Hồ Quán Thẻ: Thuộc địa bàn xã Phước Minh.
- Hồ Sông Biêu: Thuộc địa bàn các xã Nhị Hà, Phước Hà, xây dựng năm 2008, dung tích 23 triệu m3.
- Hồ Suối Lớn: Thuộc địa bàn xã Phước Ninh, dung tích 1,1 triệu m3. Hệ thống kênh từ Suối Lớn, xã Phước Ninh đến xã Phước Nam dài 3.918m.
- Hồ Tân Giang: Thuộc địa bàn xã Phước Hà, là công trình hồ thủy lợi có dung tích 13,6 triệu m3, diện tích mặt hồ 150ha, có khối lượng đập bê tông lớn nhất Việt Nam, chiều dài đập 332m, chiều cao đập 37,5m, chiều rộng bê tông tràn 30m. Hệ thống kênh từ hồ Tân Giang xã Phước Hà qua địa bàn xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, trở lại xã Phước Nam, huyện Thuận Nam dài 30.000m, dẫn nước phực vụ sản xuất và sinh hoạt ở vùng đất khô hạn phía Nam tỉnh Ninh Thuận. Cảnh quan chung quanh khu vực hồ có thể đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch phục vụ khách đến tham quan. Người Chăm gọi là Ateng Yang (Vũng Thần), người Ra glai gọi là Tơt Ia Ya (Vũng Thần).
- Hồ Trà Văn: Thuộc địa bàn xã Nhị Hà, dung tích 0,34 triệu m3.
- Kênh Cà Vay: Kênh dẫn nước thuộc xã Phước Nam.
- Kênh Cà Tiêu: Kênh dẫn nước từ hồ Tân Giang xã Phước Hà, huyện Thuận Nam đến xã Phước Thái, thuộc huyện Ninh Phước, dài 7.760m.
- Kênh Câm: Kênh dẫn nước thuộc xã Phước Ninh.
- Kênh Chà Vin - Kía: Kênh dẫn nước từ hồ Tân Giang xã Phước Hà qua địa bàn xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, dài 8.384m.
- Kênh Gác Dan: Kênh dẫn nước thuộc xã Phước Nam.
- Kênh Gió: Kênh dẫn nước thuộc xã Phước Nam.
- Kênh Ma Rên: Kênh dẫn nước từ hồ Tân Giang xã Phước Hà đến các xã Nhị Hà, Phước Nam, dài 13.865m.
- Kênh Miễu: Kênh dẫn nước thuộc xã Phước Nam.
- Kênh Minh 2: Kênh dẫn nước thuộc xã Phước Nam.
- Kênh đá Tân Hạ: Kênh dẫn nước thuộc thôn Rồ Ôn, xã Phước Hà.
- Sông Biêu: Thuộc địa bàn xã Phước Hà.
- Sông Giá: Thuộc địa bàn xã Phước Hà.
- Sông Lu: Thuộc địa bàn xã Nhị Hà chảy xuống đồng bằng.
- Suối Bung: Thuộc địa bàn xã Phước Minh.
- Suối Ca Ché: Thuộc địa bàn xã Nhị Hà.
- Suối Cạn/suối Ngang: Thuộc địa bàn dưới dãy núi thuộc CK35, xã Phước Dinh.
- Suối Chanh: Thuộc địa bàn xã Phước Nam.
- Suối Đá Bàn: Thuộc địa bàn xã Nhị Hà.
- Suối Đá Đen: Thuộc địa bàn xã Phước Minh.
- Suối Đá Lớn: Thuộc địa bàn xã Nhị Hà.
- Suối Đường Chùa: Thuộc địa bàn xã Phước Nam.
- Suối Giá: Thuộc địa bàn các xã Nhị Hà, Phước Hà.
- Suối Kò Ke: Thuộc địa bàn thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh.
- Suối Là Ha: Thuộc địa bàn xã Phước Hà.
- Suối Lớn: Thuộc địa bàn xã Phước Minh.
- Suối Nha Min: Thuộc địa bàn xã Phước Minh.
- Suối Nha Ó: Thuộc địa bàn xã Nhị Hà.
- Suối Núi Ngang: Thuộc địa bàn xã Cà Ná.
- Suối Ra Pô Ra: Thuộc địa bàn xã Phước Hà.
- Suối Sa Ra Pôn: Thuộc địa bàn xã Phước Hà.
- Suối Sâu: Thuộc địa bàn thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh.
- Suối Trà Văn: Thuộc địa bàn xã Nhị Hà, xã Phước Hà.
- Suối Ya: Thuộc địa bàn xã Phước Hà.
[1] Đảng ủy – Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Thuận: (1997) sđd.
[2] Đảng ủy – Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Thuận: (1997) sđd.
[3] Đại Nam nhất thống chí: (2006), sđd.
[4] Lê Quang Định: (2005) sđd.
[5] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bác Ái: (2005) Bác Ái 55 mùa xuân.
[6] Nguyễn Đình Tư, dẫn theo Lê Trung Hoa: (2013) Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam (quyển 2), NXB Văn hóa Thông tin.
[7] Đại Nam nhất thống chí, tập 3, (2006) sđd.
[8] Lê Quang Định: (2005) sđd.
[9] Lê Quang Định: (2005) sđd.
[10] Lê Quang Định: (2005) sđd.
[11] Lê Quang Định: (2005) sđd.
[12] Theo: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bác Ái: (2005) Bác Ái 55 mùa xuân.
[13] Lê Quang Định: (2005) sđd.
[14] Lê Quang Định: (2005) sđd.
[15] Đại Nam nhất thống chí: (2006) sđd.